Bản báo cáo tập hợp ý kiến người dân xã Cảnh Dương được chính quyền địa phương gửi đến cấp huyện. Ảnh: CTV.
Tại cuộc đối thoại, phản ánh của người dân tập trung vào một số nội dung như yêu cầu khám sức khoẻ, xác định thời hạn khắc phục môi trường, chuyển đổi ngành nghề...
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Trung Thành, Bí thư Đảng uỷ xã Cảnh Dương, cho biết, vấn đề quan trọng nhất mà Nhà nước, Chính phủ và địa phương cần thực hiện chính là có giải pháp ổn định cuộc sống của người dân vùng biển. "Nhiều người đặc biệt quan tâm đến chuyện không có việc làm, thu nhập trước mắt. Nhưng cái khó chính là vấn đề chuyển đổi nghề", ông Thành nói.
Theo ông Thành, với đặc thù vùng biển, người dân Cảnh Dương chỉ có một nghề duy nhất là khai thác hải sản. Toàn xã có hơn 8.600 nhân khẩu với gần 2.100 hộ dân thì có đến 90% lao động gắn với nghề biển hoặc các dịch vụ liên quan.
Theo thống kế của UBND xã Cảnh Dương, toàn xã hiện có khoảng 400 tàu đánh cá loại dưới 90 mã lực (CV). Trong số đó, khoảng 120 tàu chuyên đánh bắt vùng ven bờ với hàng trăm lao động lớn tuổi. Số lao động trẻ theo các tàu đánh bắt xa bờ của vùng bắc Quảng Bình tại các ngư trường, rất khó chuyển sang làm nghề khác vì họ đã quen làm ngư dân.
Những lão ngư chiều chiều vác giã cào ra biển cào ruốc. Ảnh chụp tháng 10/2015: Văn Được.
Sau khi hiện tượng hải sản chết bất thường xuất hiện tại Hà Tĩnh vào đầu tháng 4, lan rộng đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa - Thiên Huế, ngư dân xã Cảnh Dương và nhiều vùng biển khác đều gác thuyền, úp thúng vì không thể ra biển đánh cá. Hơn 2 tháng qua, bãi biển xã này gần như vắng hẳn bóng ngư dân.
"Bản thân tôi cho rằng, việc khắc phục môi trường biển là điều cần làm nhưng làm như thế nào và khi nào làm? Cấp trên nên xem xét có biện pháp nào ổn thoả giúp người dân sống được với biển, đó là điều mà ngư dân mong muốn", lão ngư Phạm Quốc Hồng (83 tuổi) nói.
Tác giả bài viết: Văn Được
Nguồn tin: