Theo ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm, nghề trồng dong hình thành ở địa phương hàng chục năm với diện tích hàng chục ha. Những khu vực đất ven suối, đất hoang hoặc nơi khó phát triển các loại cây hoa màu, cây công nghiệp đều được người dân phủ xanh bằng cây dong.
Người trồng dong tổ chức thu hoạch từ khoảng 20 tháng Chạp đến 29 Tết Nguyên đán để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết.
Ông Võ Kim Phượng (76 tuổi, ngụ ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm) nói rằng gia đình trồng dong trên diện tích 3.000 m2. Những ngày cận Tết, khối lượng công việc lớn nên ông phải thuê trên 20 nhân công thu lá.
Những cây dong cao gần 3 m được chặt ngang thân để tiện di chuyển ra khỏi nơi trồng.
Do cây được trồng ở những nơi có địa hình xấu nên người thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Anh Hoàng Công Mạnh nói rằng vườn dong rậm rạp, ẩm ướt nên người thu hoạch luôn bị muỗi đốt hoặc đối diện rắn lục. Nhiều người vác nặng sụp xuống nơi bùn lầy hoặc ngã nhào vì trượt chân khi lên dốc trơn.
Bà Ngô Thị Tuyết Mai (50 tuổi), cho biết gia đình trồng 6.000 m2 dong ở vườn men suối. Để đáp ứng nhu cầu Tết, mỗi ngày bà thuê hàng chục nhân công thu hoạch và làm việc liên tục từ 7h đến 18h .
Sau khi chặt, lá gói bánh được chia thành 3 loại và bán với mức giá khác nhau. Trong đó, lá to, đẹp dùng gói bánh chưng được bán với giá 1.800 đồng/lá.
Chủ vườn Vũ Kim Phượng cho biết: "Mỗi ngày, tôi xuất hàng trăm thiên (mỗi thiên 1.000 lá) đến các huyện thị trong tỉnh và các thị trường như Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tết này, vườn dong cho gia đình thu trên 100 triệu đồng".
Vào vụ thu lá, hàng trăm nông dân trong vùng, thậm chí ngoài tỉnh đổ về Gia Kiệm làm thuê với mức thù lao 180.000-300.000 đồng cho một người mỗi ngày.
Nhóm nông dân làm thuê tranh thủ nghỉ trưa tại điểm tập kết lá dong ven suối. Họ được gia chủ chu cấp tiền cơm trưa, nước uống nên ai cũng vui mừng.
Tác giả bài viết: Ngọc An
Nguồn tin: