Tiền hậu bất nhất
Với các lý do nộp chậm học phí và phụ huynh có những quan điểm bất đồng với nhà trường, ngày 16/9/2021, bà Hoàng Thắng, đại diện Ban tuyển sinh Truyền thông của Tập đoàn Nguyễn Hoàng (tập đoàn giáo dục có hệ thống trường Quốc tế Học viện Anh Quốc UK Academy) ra văn bản ‘chấm dứt hợp đồng’ đối với bà L. T. T. M. (hội trưởng hội phụ huynh, người đại diện ký các đơn thư phản ánh việc khuất tất và sự yếu kém của trường UK đến các cơ quan chức năng), đồng nghĩa với việc con trai bà M. đang theo học lớp 4 tại trường UK buộc phải thôi học. Mọi thủ tục rút hồ sơ, học bạ của con trai bà M. phải được hoàn tất trước ngày 30/9.
Văn bản bà Hoàng Thắng nêu rõ: nhà trường không thể phục vụ học sinh T. H. A. tiếp tục học tập tại trường và Tập đoàn cũng từ chối đón tiếp bà M. trong hệ thống trường UKA trên toàn quốc. Văn bản cũng yêu cầu bà M. đến trường để hoàn tất rút học bạ cùng các giấy tờ liên quan trước ngày 30/9. |
Sau khi tìm hiểu thông tin này, Tiền Phong đã có bài phản ánh "Học sinh bị 'đuổi học' vì phụ huynh phản ánh trường Quốc tế kém chất lượng". Bài viết đã nêu những phản ánh của nhiều phụ huynh về chất lượng dịch vụ, giáo dục và vấn đề liên tục tăng học phí của nhà trường. Đặc biệt, việc chấm dứt hợp đồng với bà M. (đồng nghĩa việc con trai bà M. đang theo học tại trường này buộc phải thôi học) có nhiều vấn đề khuất tất cần làm rõ.
Sau khi Tiền Phong đăng tải bài viết trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thanh tra, làm rõ những vấn đề phụ huynh phản ánh về chất lượng của nhà trường.
Trong khi sự việc đang được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh vào cuộc làm rõ, phía nhà trường đã tức tốc ra một văn bản gửi các phụ huynh khẳng định: không có thông báo đuổi học sinh nào của nhà trường trong thời gian vừa rồi.
Văn bản khẳng định nhà trường không có thông báo đuổi học sinh nào trong thời gian vừa qua phủ nhận văn bản trước đó của bà Hoàng Thắng. |
Trước khi ra văn bản khẳng định không có thông báo đuổi học sinh nào, phía nhà trường khẩn khoản mời bà M. đến để 'thương lượng'. Muốn con được tiếp tục học tại trường, bà M. buộc phải ký vào biên bản 'giao kèo' giữa hai bên để nhà trường ra thông báo không đuổi học sinh. Đổi lại, bà M. cũng không được tiếp tục đăng tải những thông tin tiêu cực trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội về nhà trường.
Trong trường hợp bên nào vi phạm 'giao kèo' trên, hai bên sẽ đặt vấn đề ngừng mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh.
Biên bản 'giao kèo' với phụ huynh để nhà trường ra thông báo không đuổi học. |
Trước đó, khi nhận được thông báo 'chấm dứt hợp đồng' của bà Hoàng Thắng, nhiều phụ huynh đã rất bất bình trước cách hành xử độc đoán từ phía nhà trường. Nhiều người cho rằng, phía nhà trường đang muốn 'trảm tướng' để răn đe những phụ huynh còn lại đang có ý định kiện cáo.
Còn đối với bà M. đây là một cú sốc tinh thần vô cùng lớn. Chính bản thân bà M. cũng không thể tưởng tượng được phía nhà trường lại có cách hành xử 'thô bạo' đến như vậy. Cái khó của bà M. là đã quá thời gian tuyển sinh của các trường trên địa bàn, nên việc đuổi học con trai bà vào thời điểm này cũng đồng nghĩa với việc cháu phải đúp 1 năm hoặc bắt buộc phải xáo trộn cuộc sống, tâm sinh lý của trẻ khi phải chuyển đến một môi trường hoàn toàn xa lạ.
Bán hàng không niêm yết giá
Để làm rõ nguyên nhân nhà trường ra quyết định đuổi học em T. H. A. phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thắng. Theo bà Thắng, việc chấm dứt hợp đồng với bà M. là việc bình thường vì bà M. chậm nộp học phí của năm học 2020-2021 và cả năm học mới.
Nhưng với nguyên nhân trên, khi được phóng viên hỏi bà M. chậm học phí bao nhiêu thì bà Thắng không nắm rõ. Ngay cả việc đang có hơn 100 phụ huynh chậm nộp học phí của năm học mới bà Thắng cũng ậm ờ vì không có con số cụ thể.
Theo tài liệu phóng viên có được, việc bà M. chậm nộp học phí và nhiều lần bị nhà trường gửi thông báo yêu cầu nộp học phí là có nguyên nhân sâu xa. Số tiền mà bà M. còn thiếu nhà trường trong năm học 2020-2021 là 2.690.100 đồng. Trên thực tế, số tiền này là bà M. yêu cầu nhà trường trừ vào những khoản thu bất hợp lý trước đó mà bà M. đã nộp.
Hơn nữa, dù đã đi vào hoạt động hơn 1,5 tháng nhưng nhà trường vẫn chưa đưa ra biểu phí và con số cụ thể để phụ huynh đóng. Đến thời điểm giữa tháng 9/2021, vẫn còn hơn 100 phụ huynh chưa đóng học phí như bà M.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, mặc dù nhà trường chưa đưa ra biểu phí của năm học 2021-2022 nhưng nhiều phụ huynh vẫn đến đóng tiền học phí. Có người nộp thiếu, có người nộp thừa. Cho đến ngày 15/9, phía nhà trường mới có thông báo không tăng học phí và giữ nguyên mức học phí của năm cũ thì phụ huynh mới biết cụ thể số tiền phải nộp.
Ngày 15/9, nhà trường mới có biểu phí của năm học mới nhưng ngày 16/9, đã ra quyết định đuổi học em T. H. A. Như vậy, bà M. mới chỉ chậm đóng học phí đúng 1 ngày.
"Việc trường niêm yết biểu phí của các trường cũng giống như việc bán hàng. Anh muốn bán được hàng thì phải có giá niêm yết. Đấy là quy định của luật pháp. Trong trường hợp này, phía nhà trường không đưa ra biểu phí của năm học mới thì phụ huynh có quyền chưa nộp. Vì biết bao nhiêu mà nộp cho đúng, đủ?", Luật sư Hoàng Viết Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, năm học 2019-2020, trường UKA Hạ Long không công khai học phí online từ đầu năm học. Cho đến khi kết thúc năm học mới ra thông báo học phí online. Năm học 2020-2021, cũng không công khai học phí online khiến phụ huynh lầm tưởng học phí online được áp dụng như năm 2019-2020. Nhưng đến cuối năm học 2021 lại ra thông báo học phí online của năm 2020-2021 bằng 100% học phí thông thường và họ cũng không trả lại học phí online tháng 5 cho phụ huynh.
Việc dựa vào những lý do không xác đáng để đuổi học sinh rồi lại 'giao kèo' với phụ huynh để ra thông báo không đuổi học cùng hàng loạt vấn đề khuất tất trong hoạt động giáo dục của trường UKA Hạ Long đang là vấn đề quan tâm của nhiều phụ huynh đang có con theo học tại đây. |
Tác giả: Hoàng Dương
Nguồn tin: Báo Tiền Phong