Trong tỉnh

Vụ làm 'chạy' thương binh: Trùm sò bỏ trốn, ‘chân rết’ bán nhà trả lại tiền

Nhận hàng loạt hồ sơ với trung bình 30 - 35 triệu đồng mỗi người để làm chế độ thương binh, những tay môi giới tưởng chừng như sẽ được hưởng hàng trăm đến hàng tỷ đồng tiền chênh lệch. Tuy nhiên, vụ việc vỡ lở, những người này đành phải bán nhà để trả lại tiền trước sức ép từ người dân.

Khi chúng tôi tìm về xóm 1 (xã Nam Thái, Nam Đàn), đọc tên, tuổi để hỏi nhà ông Nguyễn Phúc H., dân làng ở đây ai cũng lắc đầu. Theo họ, ở xóm này có rất nhiều người có tên này. Tuy nhiên, khi chúng tôi vừa nhắc đến “ông H. làm thương binh”, không ai không biết. Ở vùng quê nghèo này, ông H. nổi tiếng là một trong những “chân rết” chuyên nhận hồ sơ và tiền của người dân để làm chế độ thương binh.

Trong căn nhà khá khang trang nằm ở cuối làng, người đàn ông này nói rằng, ông vừa phải bán một căn nhà khác với giá gần một tỷ đồng để lấy tiền trả lại cho người dân. Căn nhà này “mặt tiền”, nằm ở trung tâm xã được ông mua cách đây vài năm. Tuy nhiên, đến nay ông H. vẫn còn nợ của người dân “rất nhiều tiền”. Ông H. kể, ông bắt đầu quen những người trong đường dây này từ tháng 6/2012, khi dò hỏi để làm chế độ thương binh cho vợ. Cũng từ ngày đó, ông bắt đầu tham gia vào đường dây với vai trò “chân rết”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong đường dây này có đến 10 “chân rết” chuyên nhận hồ sơ và tiền từ người dân để được hưởng tiền chênh lệch.

Một “chân rết” phân trần với phóng viên về quá trình tham gia đường dây chạy thương binh.

Trong đó, ông H. là người nhận được nhiều hồ sơ từ người dân nhất, 263 hồ sơ. Những “chân rết” này chủ yếu quê ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ… (Nghệ An), và Hương Sơn, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Tổng cộng, 10 “chân rết” đã nhận khoảng 1.200 hồ sơ của 1.200 người để làm chế độ, chính sách. Ước tính tổng số tiền họ đã nhận từ người dân lên đến hàng chục tỷ đồng. Các “chân rết” sau khi nhận tiền và hồ sơ sẽ được hưởng một khoản tiền chênh lệch rất lớn, trước khi chuyển lên cho Hồ Thanh Tùng và Tạ Thị Vân….

Theo ông Nguyễn Phúc H., mỗi hồ sơ ông lấy của người dân 30 triệu đồng. Sau đó ông chuyển cho ông Hồ Thanh Tùng (xã Hưng Phú, Hưng Nguyên), 22 triệu đồng, giữ lại tiền chênh lệch 8 triệu đồng cho một hồ sơ. Khi chuyển lên cho bà Tạ Thị Vân (trú phường Hưng Bình, TP. Vinh), ông Tùng lại tiếp tục chiếm 5 triệu đồng tiền chênh lệch. Giá tiền lúc này chỉ còn 17 triệu đồng cho mỗi hồ sơ. Toàn bộ hồ sơ ông H. nhận đều để làm chế độ thương binh.

Theo ước tính của phóng viên, với mức 30 triệu đồng một người như ông H. nói, tổng số tiền mà “chân rết” này đã nhận từ người dân lên đến gần 8 tỷ đồng. Nếu trót lọt “chạy” được thương binh cho những người này, ông H. có thể kiếm được hơn 2 tỷ đồng tiền chênh lệch. Trong thời gian làm “chân rết”, ông H. đã chuyển cho ông Tùng gần 5,5 tỷ đồng.

Ông H. cho rằng, giá tiền cho mỗi hồ sơ “chạy” thương binh mà ông nhận từ người dân là thấp nhất so với những “chân rết” khác. “Có người họ lấy 35 đến 40 triệu đồng một hồ sơ. Cũng có người lấy đến 50 triệu đồng. Nhưng tôi thì “ở trên” giao lấy 30 triệu đồng nên tôi lấy như vậy”, ông H. nói và cho hay, toàn bộ trường hợp mà ông nhận để “lo thủ tục giùm”, đều là những người đã từng đi bộ đội. Tuy nhiên, ông cũng chẳng cần biết họ có bị thương thật hay không. Chỉ cần mỗi tờ quyết định ra quân hay lý lịch quân nhân...

Ông H. kể rằng, sau khi chờ đợi quá lâu, ông có dò hỏi một người quen làm cán bộ chính sách và biết được đường dây này sẽ không làm được chế độ, chính sách, ông liền âm thầm đi tìm bà Vân và ông Tùng để đòi lại tiền. “Tôi phải mang dao đến tận nhà đe dọa mãi thì mới lấy được gần 2 tỷ đồng từ bà Vân...” - ông H. kể.

Cũng lâm vào cảnh bán nhà để trả lại tiền cho người dân, ông Phạm Văn M. (63 tuổi, xóm Yên Mạ, xã Nam Kim, Nam Đàn), nói rằng ông đã mất hết tất cả sau vụ việc này. “Giờ mất nhà, mất đất, mất tiền lại mất cả uy tín, mất bạn bè…”, ông M. nói, khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi.

Ông M. cũng là một trong những “chân rết” trong đường dây làm chế độ cho người có công này. Trước khi về nghỉ hưu năm 2012, ông M. từng có 2 nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch UBND xã Nam Kim. Trong quá trình làm lãnh đạo xã, ông M. thường phụ trách mảng chính sách. Vợ chồng ông M. hiện phải sống trong căn nhà do người con rể cất lên cạnh ngôi nhà cũ đã bán cho người khác.

Nhà mới của ông M. dựng cạnh phần đất và nhà mà ông đã phải bán để trả nợ.

Ông M. kể, từ đầu năm 2012, ông được ông Trần Văn Ph. (70 tuổi, xã Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh), cho biết về đường dây làm chế độ cho người có công, trong đó ông Ph. cũng là một “chân rết”. Ông Ph. nhờ ông M. gom hồ sơ và tiền của những người có nhu cầu để làm. Những hồ sơ đầu tiên, ông M. đều làm thông qua người bạn này. Một thời gian ngắn sau, qua ông Ph., ông M. bắt đầu quen biết với ông Hồ Thanh Tùng và bà Tạ Thị Vân. Bà Vân được cho là người cầm đầu đường dây “chạy” chế độ thương binh này.

Theo ông M., ông Hồ Thanh Tùng còn giới thiệu bản thân được hưởng chế độ thương binh như hiện tại là do bà Tạ Thị Vân “chạy”. Bà Vân giới thiệu với các “chân rết” rằng mình có chồng là cán bộ làm chính sách trong quân đội, cũng đã “chạy” được cho rất nhiều người hưởng chế độ từ năm 1993 đến nay. Thấy tin tưởng, ông M. về quê thông tin với nhiều người về việc làm chế độ, chính sách. Từ tháng 5 năm 2012 đến đầu năm 2014, ông M. đã nhận 65 bộ hồ sơ của 65 người, trong đó có 63 hồ sơ làm chế độ thương binh, 2 hồ sơ làm chế độ chất độc da cam. Không hưởng quá nhiều tiền chênh lệch như “chân rết” Nguyễn Phúc H., mỗi hồ sơ ông M. chỉ được hưởng khoảng 5 triệu đồng.

Ông M (áo đen) buồn bã cho biết mình đã mất tất cả khi đường dây bị vỡ.

Theo đó, mỗi người có nhu cầu làm chế độ, chính sách đều phải đưa cho ông M. 30 triệu đồng cho một hồ sơ thương binh và 16,5 triệu đồng cho mỗi hồ sơ chất độc màu da cam. Ông M. sau đó lại chuyển lên cho Hồ Thanh Tùng mỗi hồ sơ thương binh với giá từ 25 đến 26,5 triệu đồng và 12 triệu đồng cho mỗi hồ sơ chất độc màu da cam. Tổng cộng, ông M. thu từ người dân hơn 1,81 tỷ đồng cho 65 bộ hồ sơ. Ông M. hưởng hơn 170 triệu đồng tiền chênh lệch, còn lại 1,638 tỷ đồng chuyển cho ông Hồ Thanh Tùng. Số tiền này sau đó lại bị ông Tùng bớt 577 triệu đồng chênh lệch, chỉ còn lại 1,061 tỷ đồng để đưa cho Tạ Thị Vân...

Sau khi nhận tiền và hồ sơ, bà Vân và ông Tùng hứa chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm là hoàn tất chế độ. Tuy nhiên, mãi đến 2 năm sau vẫn chưa được, 10 người dân đã đề nghị ông M. rút tiền và hồ sơ về.

Đến tháng 7/2015, chờ đợi quá lâu trong khi người dân lại gây sức ép, ông M. và các “chân rết” khác tìm gặp bà Vân và yêu cầu người này chịu trách nhiệm trả tiền. Tuy nhiên, lúc này bà Vân vẫn hứa sẽ làm được chế độ cho những trường hợp này, nếu không được sẽ trả lại tiền cho “chân rết”. Bà Vân cũng đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Ngoài ra, tháng 3/2016, khi bị đòi lại tiền, ông Hồ Thanh Tùng viết giấy nhận nợ ông M. số tiền 540 triệu đồng hẹn sẽ trả trong thời gian hai tháng, nếu không có trả thì thế chấp ngôi nhà của ông Tùng tại xóm 7, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên cho ông M…. Tuy nhiên, cả bà Tạ Thị Vân lẫn ông Hồ Thanh Tùng sau đó đã bỏ trốn.

Theo ông M., cùng với những “chân rết” khác, ông cũng đã hai lần vào TP HCM để tìm ông Hồ Thanh Tùng nhưng không được. Hiện số tiền mà bà Vân và ông Tùng còn nợ ông M. là hơn 1,4 tỷ đồng. Về số tiền mà “chân rết” này đã nhận từ người dân, ông M. cho hay sau khi bán nhà và đất cũng như vay mượn, hiện ông đã trả được 1,1 tỷ đồng, còn nợ hơn 700 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 10 “chân rết” có vai trò thu nhận hồ sơ và tiền từ người dân trong đường dây này, có những người từng là thượng tá quân đội về hưu như ông Nguyễn Nam Kh. (trú thị trấn Hưng Nguyên).

Tác giả: Đức Chuyên - Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP