>>Thiếu nữ bị bắt làm vợ: Phân trần đôi mắt đã ưng
>>Hé lộ nguyên nhân cô gái bị bắt ép về làm vợ giữa đường ở Nghệ An
Ngày 4/2, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài gần 3 phút ghi lại cảnh nhóm thanh niên điều khiển xe máy tiến hành bắt một cô gái trẻ ngay giữa ban ngày trước sự chứng kiến của nhiều người.
Theo nội dung được chia sẻ khi đoạn clip được đăng tải, chị Vi Thị H. (24 tuổi, người dân tộc Thái, trú tại bản Quắm, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đang chuẩn bị đón xe vào miền Nam thì bị một nhóm thanh niên đến bắt, ép lên xe máy rồi đưa đi.
XEM CLIP:
Clip bắt vợ ngay giữa ban ngày gây sốt trên mạng xã hội những ngày qua. Clip: Facebook.
Mặc dù chị H. đã gào khóc thảm thiết, chống cự nhất định không chịu đi theo nhóm thanh niên này nhưng không thể thoát. Người đăng tải đoạn clip cũng thông tin đây chính là tục bắt vợ của đồng bào dân tộc Thái.
Đoạn clip được đăng tải đã nhận được những ý kiến phản ứng từ phía cộng đồng mạng. Đa phần những các thành viên đều cho rằng đây là một hủ tục cần phải xóa bỏ.
Để mang đến cho độc giả những cái nhìn đa khía cạnh về tục bắt vợ, sáng ngày 7/2, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, tục lệ bắt vợ của đồng bào dân tộc Thái có xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là chàng trai tiến hành bắt vợ do kinh tế gia đình khó khăn.
“Vì quá nghèo, chi phí cho việc cưới xin vượt quá khả năng nên chàng trai sẽ tiến hành đi bắt vợ. Sau khi tiến hành bắt vợ thành công, chàng trai sẽ đưa cô gái về cúng ma nhà để nhận mặt thông báo cô gái đã là người của gia đình mình.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, đôi trai gái sẽ về ở với nhau, làm ăn cho đến khi có đủ điều kiện sẽ tiến hành lễ cưới. Cũng chính vì thế mà người Thái thường có tập tục cưới vợ nhiều lần”, ông Thịnh thông tin.
GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng cho biết thêm, những chàng trai người dân tộc Thái sẽ tiến hành bắt vợ vào ban đêm. Sau khi đã bắt vợ thành công, chàng trai thường để lại một vài tín hiệu để báo cho gia đình nhà gái biết một người con gái trong gia đình đã bị bắt đi.
Tín hiệu này có thể là một khoản tiền, nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình chàng trai. Số tiền này được đặt vào những vị trí dễ thấy nhất trong nhà cô gái, thường đó là một chiếc chõ xôi.
“Chõ xôi được coi là vật dụng quen thuộc nhất gắn liền với các cô gái Thái. Nếu buổi sáng, người nhà cô gái phát hiện trong chõ có tiền thì họ sẽ hiểu ngay rằng một người con gái trong nhà mình đã bị bắt về làm vợ”.
Về phía gia đình chàng trai, trong buổi sáng ngay sau đêm bắt vợ thành công, gia đình sẽ phải có nghĩa vụ đến thông báo với gia đình cô gái về vụ bắt vợ. Tại đây, phía 2 gia đình sẽ có cuộc gặp gỡ, bàn bạc các vấn đề liên quan đến hạnh phúc của đôi trẻ.
“Đây được coi là một phong tục tập quán tốt thể hiện sự tự do tìm hiểu, yêu đương, lập gia đình của những đôi nam nữ dân tộc Thái”, ông Thịnh cho biết.
Tục bắt vợ của đồng bào dân tộc Thái chỉ là một hình thức để rút ngắn những câu nệ trong cưới hỏi, giúp cho những đôi trẻ trước đó đã có tình cảm gắn bó với nhau nhanh chóng được thành vợ chồng.
Ông Thịnh cũng cho biết, trường hợp bắt vợ của một nhóm thanh niên với cô gái được đăng tải thời gian gần đây là một sự biến tướng rất phản cảm của phong tục này.
“Việc bắt vợ nhất thiết phải được sự đồng ý từ hai phía. Khi họ thấy tình cảm đủ lớn để lập gia đình thì mới thực hiện bắt vợ như một công đoạn trong việc cưới hỏi”, ông Thịnh nhấn mạnh.
GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng chỉ ra những hậu quả đáng khôn lường khi tục bắt vợ bị biến tướng.
“Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất đó là gia tăng tình trạng tảo hôn. Thực tế, tôi biết có những cậu bé tuổi chưa đủ lớn nhưng cũng tiến hành bắt vợ. Những trường hợp đó thân mình còn chưa lo nổi lấy gì nuôi vợ con khi lập gia đình”.
Theo ông Thịnh, để ngăn chặn quá trình biến tướng không có điểm dừng của tục bắt vợ cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương.
“Trước mắt, cần vì vốn hiểu biết của đồng bào dân tộc còn hạn chế nên thiết nghĩ các cấp chính quyền cũng phải có biện pháp tuyên truyền. Cứ “mưa dầm, thấm lâu” rồi dần dần thay đổi nhận thức của họ. Với những trường hợp cá biệt cần phải có hình thức xử lý thật mạnh tay”.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Đời sống Plus
Nguồn tin: Đời sống Plus