Xã hội

Vỡ òa ngày trở về sau 17 năm lưu lạc xứ người

17 năm trước, chị Bùi Thị Hà (trú tại xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) bị mất tích bí ẩn. Gia đình tưởng chị đã chết nên lập bàn thờ. Vậy nhưng, cuộc sống thật kỳ diệu khi 17 năm sau, người thân đã được gặp lại chị Hà trong sự xúc động nghẹn ngào…

Chị Hà trở về bên vòng tay của gia đình. Ảnh: N.Hưng

17 năm “bặt vô âm tín”

Từ ngày chị Bùi Thị Hà (SN 1982) trở về, căn nhà nhỏ của ông Bùi Văn Hán (SN 1951, bố chị Hà) lúc nào cũng rộn tiếng cười, người ra vào hỏi thăm. Họ truyền tai nhau biết chuyện rồi đến chia vui với gia đình về chuyện chị Hà còn sống và trở về bên gia đình sau 17 năm mất tích bí ẩn. Những chuyện đã xảy ra trong 17 năm qua, khiến ông Hán già nua, khắc khổ. Nhưng khi nhắc đến chị Hà vẻ mặt ông tươi tỉnh.

Ông Hán nhớ lại, tháng 5/2016, khi gia đình đang làm đám giỗ thì có người cháu học ở Hà Nội gọi về nói là đã tìm thấy tung tích của chị Hà qua bức ảnh được đăng tải trên Facebook. “Nhìn thấy bức ảnh, tôi đã nhận ra Hà ngay. Tôi đã gọi điện thoại cho con, vừa nghe nó qua điện thoại tôi đã nhận ngay ra giọng của con gái. Lúc nghe giọng nó tôi vui lắm. Đã nhiều năm qua tôi không được nghe nó gọi bố. Mẹ mất nó cũng không hay biết. Gia đình không nhận được thông tin gì về nó, nhưng may quá trời không phụ lòng người mong đợi”, ông Hán nói.

Nhớ về sự việc xảy ra 17 năm trước, ông Hán buồn rầu, những năm 2000, gia đình ông nghèo lại đông con nên chị Hà chỉ được học hết lớp 3 là phải nghỉ học ở nhà phụ giúp việc gia đình, đồng áng. Chị là con thứ tư trong gia đình, dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, siêng năng. Sau bao năm làm lụng chắt bóp, tháng 2/2000, gia đình ông Hán sửa nhà.

Trong lúc sửa nhà, chị Hà và em gái mâu thuẫn, cãi cọ nhau. Thấy vậy, ông Hán quát mắng và tát chị Hà một cái. Sau ngày hôm ấy, chị Hà đã bỏ đi biệt tăm. “Sau ngày Hà bỏ đi, gia đình tôi luôn tìm kiếm. Nghe ai báo thấy Hà ở đâu là gia đình tôi tìm đến. Càng tìm gia đình tôi càng thất vọng khi không có bất cứ tin tức gì về con”, ông Hán nhớ lại.

Sau nhiều năm đằng đẵng chờ tin con, người mẹ lâm bệnh nặng rồi qua đời, còn ông Hán thì luôn day dứt khi cho rằng mình là nguyên nhân dẫn đến việc con gái bỏ nhà ra đi.

Niềm vui ngày sum họp

Chuyện chị Hà được tìm thấy cũng rất tình cờ. Trong một lần đi mua sắm ở Trung tâm thương mại Quế Lâm (Trung Quốc), vợ chồng anh Phương Văn Vũ và chị Nguyễn Thị Xuân Trang (trú tại Hà Nội) đã gặp chị Hà. Thấy vợ chồng anh Vũ là người Việt Nam nên chị Hà đã đến nói chuyện và nhờ nhắn gửi tìm quê hương, người thân ở Việt Nam. Vợ chồng anh Vũ đã đăng tải những hình ảnh, thông tin về chị Hà lên Facebook, nhờ đó mà gia đình ông Hán đã tìm được chị sau 17 năm “bặt vô âm tín”.

Sau nhiều tháng làm thủ tục xin về Việt Nam, tháng 4/2017, chị Hà đã được trở về trong vòng tay gia đình sau 17 năm lưu lạc nơi xứ người. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà cho biết: “Sau ngày bỏ nhà ra đi, tôi ra miền Bắc làm thuê. Vì không được học hành nên kiếm việc làm rất khó khăn, tiền lương không đủ sống. Mong có công việc với đồng lương cao để trang trải cuộc sống nên tôi đã đi khắp nơi tìm việc.

Lúc này, tôi gặp một người quen, họ nói sẽ giúp đỡ có một công việc tốt, thu nhập cao nhưng phải sang bên kia biên giới. Chẳng do dự gì, tôi đã đồng ý vội khăn gói theo lời mời gọi sang Trung Quốc. Sang đây tôi bị lừa lấy hết giấy tờ rồi bán cho một người đàn ông ở vùng nông thôn hẻo lánh. Sống trong gia đình chồng không hạnh phúc, nhiều lúc bị hành hạ, bạo hành nên tôi rất lo lắng, lúc nào cũng tìm cách trốn. Sau nhiều lần trốn thất bại, tôi đã lên kế hoạch để chạy trốn, may sao lần này trốn thoát và lưu lạc đến thành phố Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)”.

Cũng theo lời kể của chị Hà, tại đây chị gặp và yêu một người đàn ông làm công nhân xây dựng. Người này rất thông cảm, chia sẻ với những gì đã xảy ra trong quá khứ của chị. “Tôi đã có 2 người con trai, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi. Cả hai đứa không phải là con của người đàn ông hiện tại. Do tôi không có giấy tờ tùy thân nên cuộc hôn nhân này không có hôn thú. Chỉ là 2 người tự dọn về sống với nhau như vợ chồng”, chị Hà kể.

Sống nơi đất khách quê người, chị Hà luôn đau đáu mong được trở về quê hương, thăm cha, viếng mẹ, bởi vậy mặc cho chị không thạo tiếng mẹ đẻ, không một giấy tờ tùy thân nhưng nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng nên chị đã trở về quê, thăm gia đình, người thân. Trao đổi với chúng tôi, ông Quách Công Tâm - Trưởng Công an xã Thành Thọ cho biết: “Chị Bùi Thị Hà bị mất tích 17 năm qua. Nay nghe tin chị vẫn còn sống và trở về với gia đình chúng tôi rất vui mừng”.

Dấu hiệu nhận biết những kẻ buôn người

Với những lời rủ rê đi làm ăn xa, công việc thì nhàn hạ nhưng thu nhập lại cao, thì hãy tin rằng đó chính là một cái bẫy đang chờ mình sa chân. Kẻ buôn người cũng rất khó bịa ra được cơ quan, tổ chức hay cá nhân sử dụng lao động, cũng như về hồ sơ thủ tục hợp đồng lao động. Chỉ cần gặng hỏi những thông tin về nơi đến, chúng sẽ lung túng nói dối quanh rồi bộc lộ sơ hở, thiếu logic hay tự mâu thuẫn trong lời nói, việc làm. Trường hợp đối tượng nói ra địa chỉ nơi sẽ tiếp nhận mình vào làm việc thì cần thiết phải tiến hành xác minh bằng cách gọi điện thoại đến địa chỉ đó, hoặc nhờ người quen tại chỗ tìm hiểu hộ. Khi không thể xác minh, hay thấy vẫn chưa chắc chắn thì hãy từ chối những viễn cảnh được vẽ ra trước mắt.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP