Kinh tế

Vietnam Airlines đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết?

Ủy ban Chứng khoán đã bác đề nghị lùi thời điểm công bố báo cáo tài chính của Vietnam Airlines (VNA). Nếu báo cáo, VNA khó tránh được kết quả kinh doanh lỗ.

Vietnam Airlines đang đứng trước nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 - Ảnh: THANH HƯƠNG

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ.

Lỗ lớn và trễ hẹn

Trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý 4-2021, VNA cho hay lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31-12-2021 là âm 21.978 tỉ đồng, gần bằng số vốn điều lệ 22.144 tỉ đồng. Nhưng nếu tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt vốn điều lệ (lợi nhuận sau thuế năm 2020 của VNA âm hơn 11.000 tỉ đồng).

Theo quy định tại thông tư 96 của Bộ Tài chính, nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp VNA thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý 1 chậm nhất vào ngày 30-4.

Việc "trễ hẹn" gần đây có nhiều ý kiến xem là động thái "nghi binh", bởi nếu cổ phiếu "dính" phải thông tin bị hủy niêm yết thì sẽ rất khó giao dịch và thường rơi vào trạng thái nằm sàn.

Ông Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng thực tế VNA đang trong tình trạng kinh doanh lỗ và có nguy lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu sau hai năm. Việc xin gia hạn thời gian công bố kết quả kinh doanh quý dù vì lý do gì thì đó cũng là hành động trì hoãn mà các nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi về mục đích.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu VNA bị hủy niêm yết hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng cần phải đợi hết năm 2022. Tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt điều lệ nhưng theo quy định, số lỗ này phải được tính trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Năm ngoái, VNA cũng đã được "cứu" sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoàn tất việc tăng vốn điều lệ với quy mô gần 8.000 tỉ đồng.

Nên tính đến lý do đại dịch?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết việc VNA chậm nộp báo cáo tài chính là chưa chấp hành đúng quy định thông tư 96 năm 2020 của Bộ Tài chính. "Chúng tôi tiếp tục đôn đốc VNA sớm công bố thông tin kịp thời", vị này nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, công bằng với các doanh nghiệp khác, VNA phải chấp hành nghiêm quy định về công bố thông tin.

Tuy nhiên, xét thấy suốt hơn 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp nhất là du lịch, hàng không... bị kiệt quệ do dịch COVID-19 nên cùng những hỗ trợ về thuế, lãi suất... cần có chính sách hỗ trợ về chứng khoán.

"Đơn cử doanh nghiệp bình thường nếu bị lỗ 3 năm, lỗ quá vốn chủ sở hữu thì có thể bị hủy niêm yết. Nhưng với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do COVID-19 mà lỗ 3 năm mà đến nay đang hồi phục, tiềm năng rất tốt thì có thể không bị hủy niêm yết", ông Đức gợi ý.

Phạt hàng loạt doanh nghiệp chậm công bố thông tin

Đầu tháng 5-2022, Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư... thực hiện nghiêm việc công bố thông tin, báo cáo theo quy định.

Ngay đầu tháng 5 này, thanh tra Ủy ban Chứng khoán đã ban hành một loạt quyết định xử phạt về công bố thông tin đối với doanh nghiệp. Như Công ty cổ phần Tư vấn điện lực dầu khí Việt Nam bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng quy định với báo cáo thường niên năm 2019, báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2020.

Do công bố báo cáo tài chính chậm nên Công ty cổ phần Licogi Quảng Ngãi cũng vừa bị phạt 85 triệu đồng. Hay Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương cũng vừa bị phạt 70 triệu đồng do chậm công bố thông tin một loạt báo cáo.

Tác giả: L.THANH - NHƯ BÌNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP