Trong nước

Việt Nam gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn số liệu của Bộ Công an cho biết năm 2023, Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2023.

Ký nhiều hiệp định song phương về tương trợ tư pháp

Theo báo cáo, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ để triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm trên cả 4 lĩnh vực tương trợ tư pháp là dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Ở lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đàm phán thành công 3 hiệp định song phương.

Cùng với đó, thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký 5 hiệp định song phương.

Trong lĩnh vực dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đàm phán thành công 10 hiệp định song phương.

Thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an đã ký 7 hiệp định song phương (3 hiệp định dẫn độ với Argentina, Iran, Ý, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Lào; 4 hiệp định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với Argentina, Iran, Ý, Kazakhstan). Ngoài ra còn có 3 hiệp định đã kết thúc đàm phán.

Về việc thực hiện ủy thác tư pháp, bộ trưởng tư pháp cho biết năm 2023, Việt Nam gửi nước ngoài 2.385 ủy thác tư pháp về dân sự, nhận 1.830 kết quả. Phía nước ngoài gửi Việt Nam 1.033 ủy thác tư pháp, nhận 1.231 kết quả.

So với năm 2022, ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi nước ngoài tăng 245 hồ sơ, ủy thác tư pháp của nước ngoài gửi Việt Nam giảm 29 hồ sơ. Số kết quả ủy thác tư pháp nhận được cả hai chiều đi và đến tăng lần lượt là 184 và 148 hồ sơ.

Với hình sự, số ủy thác tư pháp Việt Nam gửi nước ngoài là 377 yêu cầu, nhận về 217 kết quả. Số yêu cầu nước ngoài gửi Việt Nam là 89, nhận về 72 kết quả.

Như vậy, số ủy thác tư pháp hình sự của Việt Nam gửi nước ngoài năm nay tăng 42,8% so với năm 2022 (264 yêu cầu). Tương tự, số yêu cầu có trả lời cũng cao hơn (năm 2022 là 206 kết quả).

Số lượng ủy thác tư pháp của nước ngoài gửi Việt Nam giảm nhưng tỉ lệ giải quyết tăng 12%.

Gửi 40 yêu cầu chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam

Với việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ, số liệu của Bộ Công an cho thấy năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục trao đổi với phía đối tác để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Ngoài ra, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao 2 đối tượng yêu cầu dẫn độ cho Liên bang Nga.

Việt Nam cũng đã nhận 4 yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù từ Việt Nam ra nước ngoài và gửi đi 40 yêu cầu chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam.

Các yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù từ Việt Nam gửi đi nước ngoài, theo bộ trưởng, đang được tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật (xác minh quốc tịch, thông tin có liên quan...). Bộ Công an đã chuyển cho tòa án có thẩm quyền xem xét 1 trường hợp.

Với các trường hợp chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài, Bộ Công an đã chuyển tòa án có thẩm quyền 2 trường hợp, 2 trường hợp còn lại đang tiếp tục trao đổi với phía nước ngoài.

Cơ quan công an cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao 3 phạm nhân (1 phạm nhân quốc tịch Hàn Quốc, 2 phạm nhân quốc tịch Úc) về nước tiếp tục thi hành án phạt tù.

Để khắc phục hạn chế, bất cập, Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo, đề nghị để hoàn thành đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Đồng thời, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và chuẩn bị xây dựng các dự án luật sau khi được đưa vào chương trình.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đề xuất ký kết các điều ước quốc tế song phương...

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP