Ở chiều ngược lại, năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD; Nhật Bản đạt gần 15 tỷ USD; EU đạt 11,1 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 8,7 tỷ USD; ASEAN đạt 23,7 tỷ USD.
Như vậy, về cán cân thương mại, năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, với 28 tỷ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015.
Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 29,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỷ USD, tăng 12,3%.
Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu tiếp tục tăng trong bối cảnh giá thế giới và cầu từ các thị trường nhập khẩu chính giảm. Mức tăng 8,6% là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan với các nước trong khu vực có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ...
Việt Nam đã tận dụng tốt kết quả của các FTA có hiệu lực và các cam kết trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhiều chủng loại rau quả của Việt Nam đã được chính thức thâm nhập vào các thị trường như vải, nhãn, chuối, xoài, dưa hấu, mít, thanh long, chôm chôm vào Trung Quốc; vải, xoài vào thị trường Úc; vải, nhãn, thanh long, chôm chôm vào thị trường Hoa Kỳ,….
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, bất chấp những biến động từ cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ và sự kiện Brexit ở châu Âu, xuất khẩu vào 2 thị trường này vẫn tăng cao trên 10%, và là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tác giả bài viết: Kiều Linh
Nguồn tin: