Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết khán giả truyền hình sẽ được xem trực tiếp các trận đấu đáng chú ý của ASIAD trên kênh VTC3 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC từ 22/8. Thính giả có thể nghe tường thuật trực tiếp các sự kiện trên sóng phát thanh của VOV.
Bản quyền mà VTC sở hữu cũng cho phép khán giả có thể xem trực tiếp trên điện thoại di động, TV thông minh thông qua ứng dụng VTC Now, trên báo điện tử VOV.vn và VTC News.
Hai doanh nghiệp đồng hành giúp VOV đạt bản quyền ASIAD 18 là Tập đoàn Viettel và Vingroup. Đại diện hai tập đoàn cũng xác nhận với Zing.vn về việc này.
Nguồn tin của Zing.vn cho biết hợp đồng bản quyền phát sóng ASIAD 18 vừa được chốt trị giá 1,3 triệu USD. Dự kiến, chiều 21/8, VOV sẽ họp báo công bố chi tiết bản quyền ASIAD 18.
'Cuối cùng cũng được xem đàng hoàng'
"Thoát cảnh xem lậu", "cuối cùng cũng được xem đàng hoàng"... là phản ứng của nhiều người hâm mộ Việt Nam trước thông tin VOV chốt được bản quyền phát sóng ASIAD 18.
Trước đó, người hâm mộ Việt Nam đã phải ngậm ngùi trước cảnh không có cửa nào để theo dõi các tuyển thủ Việt Nam thi đấu, khi ASIAD 18 khai mạc tại Indonesia mà Việt Nam không nằm trong danh sách 75 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng.
Nhiều người nhắc lại cảnh thắc thỏm chờ đợi ở mùa World Cup 2018 khi Việt Nam là quốc gia cuối cùng không có bản quyền. Lý do được đưa ra là mức giá được chào quá cao và vượt quá khả năng chi trả của nhà đài. Người hâm mộ chỉ được vỡ òa vào phút chót khi một tập đoàn tài trợ 5 triệu USD để VTV mua bản quyền giải đấu.
Còn tại ASIAD, “họ thấy CĐV Việt Nam hâm mộ cuồng nhiệt với U23 Việt Nam cũng như các môn thể thao khác nên kiên quyết giữ giá, không hạ một đồng nào”, một lãnh đạo VTV chia sẻ với báo giới.
8 ngày qua, người hâm mộ Việt Nam đã buộc phải dõi theo các tuyển thủ, VĐV Việt Nam thi đấu qua các đường link lậu trên Internet.
"Không nên để người hâm mộ có khao khát mà mình không làm được... VOV không làm thì cũng có những đơn vị khác làm thôi. Đến lúc này thì thấy rằng VOV sẽ đứng ra làm việc này", ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc VOV, nói.
Hành trình bản quyền ASIAD 18 ở Việt Nam
Hội đồng Olympic châu Á (OCA) là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình các đại hội thể thao châu Á như ASIAD. Cũng giống hai kỳ ASIAD 2010 và 2014, OCA ký hợp đồng thuê Dentsu Nhật Bản là đơn vị phân phối bán bản quyền truyền hình cho đại hội thể thao tại Indonesia năm nay.
Cách đây 2 năm, khi Dentsu gửi lời chào hàng đến các nhà đài ở Việt Nam với mức giá đưa ra ban đầu chỉ hơn 500.000 USD. Đài truyền hình Việt Nam VTV đã bắt tay đàm phán với đối tác Nhật Bản. Hai bên đã đạt được những thống nhất chung và dự kiến ký hợp đồng vào tháng 11 năm 2017. Tuy nhiên, đến phút chót, việc đàm phán bất thành.
Bản quyền phát sóng ASIAD 18 trên lãnh thổ Việt Nam sau đó vào tay đối tác Hàn Quốc KJSM World Corp với mức giá 3 triệu USD.
Đối tác KJSM sau đó chào các nhà đài Việt Nam với mức giá được cho là lên tới 5 triệu USD, vượt quá khả năng của nhà đài.
VTV muốn mua riêng bản quyền môn bóng đá nam tại ASIAD - nơi có sự hiện diện của tuyển Olympic với nòng cốt là các cầu thủ U23, những người làm nên kỳ tích hồi đầu năm, nhưng đối tác đã từ chối với lý do chỉ bán bản quyền trọn gói.
Không có bản quyền trong những ngày đầu tiên của giải đấu, khán giả Việt Nam, đặc biệt là những người hâm mộ bóng đá đã "rủ nhau xem lậu" các trận đấu qua mạng với tín hiệu đường truyền thiếu ổn định.
Hiện tại, Olympic Việt Nam vào đến vòng 16 đội môn bóng đá nam. Những VĐV trọng điểm nhận trọng trách "săn vàng" cho đoàn thể thao Việt Nam như Nguyễn Thị Ánh Viên cũng sắp xung trận. Vì thế, nhu cầu được xem của khán giả càng lớn hơn.
Cuộc chiến bản quyền truyền hình trở nên nóng ở Việt Nam gần đây, nhưng xu hướng chung trên thế giới cho thấy, những gã khổng lồ Internet sẽ chiếm miếng bánh này.
Tác giả: Phương Loan
Nguồn tin: zing.vn