Pháp luật

Video và công lý của sự cuồng nộ trong các phiên toà đám đông

Trên YouTube có một thế giới riêng, ở đó người ta đưa lên những clip ghi lại các vụ đánh trộm, cướp... Những video này có tới hàng trăm ngàn cho tới cả triệu lượt xem, và thường có những tiêu đề như: Trộm chó bị bắt đeo biển (hơn 500 ngàn lượt xem); Thanh niên trộm gà bị lột trần, té nước giữa trời lạnh (hơn 800 ngàn lượt xem, tăng 200 ngàn khi quay lại sau 2 tháng); Gái xinh đi cướp bị bắt khóc lóc van xin (gần 1,2 triệu view, tăng gấp đôi sau 2 tháng); Ăn cướp bị người dân đánh dã man (1,6 triệu lượt xem)…

Những clip về các vụ đánh ghen, đánh người trộm chó, trộm gà… được cập nhật thường xuyên trên YouTube, gần như ngày nào cũng có cái mới. Tuy không bật âm thanh, tôi chỉ có thể xem được chừng 10 giây ở mỗi clip, và đóng băng bất động trong tư thế của mình.

Và trong tất cả các clip, tác giả của nó, người cầm smartphone, hối hả đi vòng quanh, cúi xuống dưới, giơ lên cao, cố tìm vị trí để nhìn rõ nhất trong đám đông vòng trong vòng ngoài. “Ai cũng muốn tham gia” - Elias Canetti viết trong cuốn “Đám đông và quyền lực” năm 1960. “Ai cũng muốn xuống đòn, và vì thế anh ta tiến sát tới nạn nhân tới mức có thể. Nếu anh ta không tự đánh được, anh ta phải nhìn thấy người khác đánh”. Trong sự câm lặng như được nhìn qua một vách kính dày, cái rung, nhoè, cái giật cục của video truyền tải sự giận dữ và năng lượng khổng lồ của đám đông.

Cái người ta nhìn thấy ở đây là công lý của sự cuồng nộ, được thực thi trong các phiên toà của đám đông giận dữ. Đáng sợ nhất ở Việt Nam là các phiên toà cuồng nộ nhằm vào đối tượng ăn trộm chó. Chỉ cần tìm sơ qua trên mạng cũng ra hàng chục vụ người trộm chó bị đánh chết trong vòng 5 năm qua. Thường chúng chỉ xuất hiện qua vài dòng trên báo, rồi rơi vào hư không. Gần đây nhất: Đêm 4.8.2016, anh Nguyễn Văn T. (SN 1977, trú tại thôn Tân Lập, xã Minh Đức, tỉnh Thái Nguyên) bị hai anh em Nguyễn Xuân Lương (SN 1981) và Nguyễn Xuân Hậu (SN 1989) ở cùng thôn đánh tử vong vì nghi ngờ anh T. trộm chó của nhà mình.

Xa hơn, vào tháng 9.2010, ở xã Hưng Đông, thành phố Vinh, người dân đánh chết Nguyễn Đình Phong, 27 tuổi, vì tội trộm chó. Đám đông kéo xác Phong ra đồng, tưới xăng xe máy lên rồi đốt cả người và xe.

Người trộm chó bị đánh, xe máy bị đốt cháy.


Khá khó hiểu khi dư luận có thể rất ồn ào với việc du khách Việt xả rác ở bãi biển hay chen nhau khi ăn buffet, nhưng hoàn toàn thờ ơ với những vụ việc này. Dường như không có ai, từ lãnh đạo địa phương tới dân thường, tỏ ra lo lắng địa phương mình mang tiếng xấu sau khi trộm chó bị giết, trong khi người ta có thể rất xấu hổ nếu người quê mình hôi bia đổ ven đường. Mạng chó và mạng người, cái gì đáng giá hơn? Với nhiều người, câu trả lời là rõ ràng, thể hiện qua các bình luận trên mạng: “Chó nhà tớ còn đáng giá hơn bọn chó tặc đó nhiều. Chó nhà tớ chết, tớ khóc mấy ngày, còn chó tặc chết tớ cười mấy tháng” và “Không có nhà tù nhiều mà bỏ tù cẩu tặc… chúng nó bị đánh chết thì cũng đáng thôi!”…

Sự thờ ơ của truyền thông, sự làm ngơ của pháp luật cộng với những ý kiến ủng hộ giết người công khai như trên phản ánh một thái độ dung túng, nếu không nói là ủng hộ ngầm của xã hội cho công lý của đám đông cuồng nộ. Dường như có một quy ước ngầm là kẻ trộm chó không xứng đáng nằm trong sự che chở của pháp luật. Nguyễn Đình Phong bị thiêu chết đã tới nay đã 6 năm, nhưng không tìm thấy một tin tức nào đi tiếp về trường hợp này.

Nếu như dân chủ - democracy, là một nền quản trị được thực hiện bởi đại diện của người dân qua những cơ chế rõ ràng, nhất quán và công bằng, thì mobocracy - một nền quản trị được thực hiện bởi mob - đám đông cuồng nộ, là một cơn ác mộng. Nếu như hệ thống pháp luật chính thống ra quyết định dựa trên những văn bản rõ ràng và xác định mức độ trầm trọng của một vụ án dựa trên tác động của nó vào xã hội, cũng như qua so sánh nó với vô vàn các vụ án trước đó, thì công lý của cuồng nộ tuyên án và trừng phạt dựa trên cảm xúc nguyên thuỷ. Chớp nhoáng và mù quáng, nó thường chỉ đắn đo trong vòng vài tích tắc để ra quyết định có xuống tay hay không, sau đó bạo lực ập xuống như con sóng thần, không có thời gian cho bất cứ cân nhắc hay giải thích nào.

Vụ người đàn ông lớn tuổi trộm gà bị đánh đập, treo gà lên cổ để làm nhục đã khiến dư luận bất bình và phản ứng.


Trong các phiên toà cuồng nộ, thể hiện qua ngôn từ bạo lực trên mạng hay bạo lực vật lý ngoài đời, năng lượng của đám đông tới một phần từ khao khát trả thù không được kiểm soát. Mong muốn phục thù vốn nằm sâu trong tâm lý con người, được lập trình qua hàng trăm nghìn năm của quá trình tiến hoá. Trả thù có mục đích ngăn chặn những âm mưu gây hại tương tự trong tương lai, để đối trọng lại cảm giác bị làm nhục, để thiết lập lại danh dự và khôi phục lại cảm nhận về công lý vừa bị phá huỷ. Trong một xã hội sơ khai, trả thù giúp cho tổ tiên chúng ta tự vệ và trừng phạt những thành viên bất hợp tác trong cộng đồng.

Mục tiêu của trả thù là đem lại đau đớn cho kẻ gây hại, và như ta đã thấy, mong muốn trả thù có thể thiêu đốt tới mức hành vi đáp trả trầm trọng gấp nhiều lần mức độ thiệt hại ban đầu. Trả thù giúp chúng ta thắng được cảm giác bất lực và mất mát, và thay vào đó là một sự mãn nguyện và hưng phấn. Sự ngọt ngào của báo thù lớn tới mức có người nuối tiếc khi sát nhân tự tay kết liễu đời mình sau khi làm hại người thân của họ. Họ muốn tự tay đem lại đau đớn cho kẻ đã làm tổn thương mình.

Bị cuốn trôi bởi thôi thúc trả thù, người ta đánh mất một phần đạo đức của mình, về quay ra vi phạm một cách trầm trọng nhất các chuẩn mực và quy ước của xã hội và pháp luật. Nhưng “ăn miếng trả miếng” cũng là dạng công lý có hình hài sơ đẳng nhất, bạo lực nhất, phá huỷ nhất. Một trong những thành tựu lớn nhất của xã hội hiện đại là nó lấy việc thực thi công lý ra khỏi tay những cá nhân và đưa vào tay của nhà nước. Để công bằng, sự trừng phạt phải tới từ các thể chế công, thay vì tới từ các cá nhân bị hại. Một xã hội văn minh là xã hội kiềm chế được khao khát trả thù của các cá nhân.

Clip Gái xinh đi cướp bị bắt khóc lóc, van xin đã có gần 1,2 triệu lượt xem (ảnh cắt từ clip)


Điều gì khiến người ta không chỉ muốn chứng kiến một đám đông hành hạ một ai đó, mà còn muốn ghi lại những hình ảnh đó và đưa chúng lên mạng? Điều gì khiến hàng trăm ngàn người lên mạng tìm xem những hình ảnh đó? Lý do gì chăng nữa thì chắc hẳn nó đã tồn tại từ rất lâu. Hồi đầu thế kỷ XX, ở Mỹ, bưu thiếp đóng vai trò của YouTube bây giờ. Đó là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra những cuộc hành hình bởi đám đông (lynching) ở những bang miền Nam. Trong giai đoạn đen tối này, có chừng 5.000 người bị đám đông giết chết ngoài vòng pháp luật vì các tội khác nhau, thật hay oan (lừa đảo, ăn trộm, hãm hiếp...). Các nạn nhân phần lớn là người da đen, nhưng cũng có người Mexico, Trung Quốc và cả người da trắng.

Vào đúng thời kỳ hành hình lynching bùng nổ, máy ảnh Kodak và phim cuộn được đưa ra thị trường đại chúng và tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiếp ảnh. Chụp ảnh nghiệp dư trở thành mốt trong xã hội, nghề nhiếp ảnh được tổ chức chuyên nghiệp. Những cảnh hành hình nhanh chóng trở thành một lĩnh vực tăng trưởng nóng của ngành công nghiệp bưu thiếp. Báo Time trích lại lời của một nhân chứng trong vụ hành hình Thomas Brooks ở bang Tennnessy năm 1915: “Hàng trăm máy Kodaks bấm tanh tách cả buổi sáng ở hiện trường. Người ta đi ô tô và xe ngựa từ nhiều dặm lân cận tới để xem cái thây treo lủng lẳng. Các nhiếp ảnh gia đã lắp sẵn máy in bưu thiếp di động ở đầu cầu”.

Hồi điện ảnh chưa ra đời, công nghệ còn chưa cho phép hình ảnh và âm thanh đi liền với nhau, và người ta thường trưng bày những bức ảnh chụp cảnh hành hình lynching kèm với máy thu thanh bên cạnh để người xem có thể nghe lại những tiếng rên rỉ, gào thét của nạn nhân trong khi xem ảnh. Theo cuốn “Lynching và diễn cảnh: Chứng kiến bạo lực chủng tộc ở Mỹ 1890 – 1940” của Amy Luoise Wood, ở trên đường phố Seattle năm 1901, người ta mời chào người qua lại thưởng thức “hình thức giải trí mới và tuyệt vời” này. “Kinh khủng quá, kinh khủng quá!" - một nhân chứng nhớ lại. "Chúng ta rao bán những tiếng van xin và kêu rên của một người đang chịu đau đớn tột cùng khi hai con mắt anh ta lần lượt bị đốt cháy bởi sắt nung”.

Ngày nay, chiếc smartphone đã thay thế cho chiếc máy ảnh Kodak và máy thu thanh của một trăm năm trước, và nó có mặt trong các cuộc hành hình lynching vẫn đang xảy ra ở các ngõ ngách khác nhau trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Cuối tháng 12.2015, một cô gái Afganistan 27 tuổi ở Kabul bị một đám đông vu cho là đốt kinh Koran, và bị tra tấn nhiều giờ bên bờ sông cho tới chết. Xung quanh cô, hàng trăm chiếc điện thoại được giơ lên cao để quay phim, và sau đó đưa lên mạng. Đầu năm 2015, hàng ngàn người tràn vào một nhà tù ở bang Nagaland, Ấn Độ, nơi một người đàn ông nhập cư người Bangladesh đang bị giam chờ ngày ra toà với cáo buộc hiếp dâm một nữ sinh địa phương 20 tuổi. Qua những bức ảnh, người ta có thể thấy nhiều thanh niên hoan hỉ chụp thân thể đầy máu của người đàn ông 35 tuổi bất động trên đường phố.

Đám đông đánh chết cô gái Afganistan 27 tuổi vì cho là cô đốt kinh Koran.


Nếu như vào cuối thế kỷ XIX, công nghệ - cụ thể là xe lửa, nhiếp ảnh, công nghiệp bưu thiếp, báo chí, là các yếu tố biến các cuộc hành hình ở miền Nam nước Mỹ từ những cuộc trả thù của những đám đông địa phương thành những sự kiện giật gân toàn quốc, thì ngày nay Internet có khả năng biến một hành vi bạo lực địa phương thành một sự kiện toàn cầu. Năm 2004, khi video quay cảnh kỹ sư Mỹ Nick Berg bị chặt đầu ở Iraq được phiến quân al-Qaeda đưa lên mạng, nó nhanh chóng trở thành thứ được tìm nhiều nhất trên mạng trong cả một tuần lễ. Câu chuyện lặp lại với tất cả các video chặt đầu tiếp theo của al-Qaeda và IS.

Công nghệ đã tách bạo lực ra khỏi không gian và thời điểm nó được sinh ra, biến nó thành sản phẩm phục vụ cho sự ham thích giật gân của quảng đại công chúng, và cho lợi ích thương mại. Giống như việc bán bưu thiếp cảnh hành hình trước kia, lượng view khổng lồ từ các clip đánh trộm đem lại lợi nhuận. Được xem bởi hàng triệu người, vào những lúc cửa hàng vắng khách, khi nghỉ trưa ở văn phòng, hay buổi tối ở nhà, những clip này góp phần tạo nên sự chấp nhận của xã hội với công lý của cuồng nộ. Trong một không gian cá nhân, bạo lực - qua màn hình điện thoại, được thuần hoá, trở thành cái tiêu khiển, giải trí. Internet cho người xem sự ẩn danh, cho ta cái cảm giác không can dự, tạo ra một khoảng cách, nhưng mặt khác lại cách ta chỉ một cái gõ ngón tay. Chúng ta luôn được ngồi hàng ghế đầu, nữ tác giả Frances Larson phân tích trong bài nói chuyện TED của cô về chủ đề “Vì sao những video chặt đầu luôn có hàng triệu người xem?”, nhưng lại có thể tự nhủ: "Không liên quan gì tới tôi, sự việc đã xảy ra rồi, tôi không ở đó."

Nhưng xem nghĩa là tán thành, là phê chuẩn màn diễn của đám đông ra đòn, trong đó nạn nhân bị ép đóng vai nhân vật chính. Người xem clip không phải kẻ đứng ngoài, mà trở thành nhân chứng và tòng phạm trong việc chà đạp lên nhân phẩm của những nạn nhân. Chiếc smartphone đã trở thành một vũ khí hoàn hảo để trả thù. Và trên YouTube, cơn trả thù kéo dài mãi mãi.

Sự hiện diện của hành vi trả thù không chỉ là lỗi lầm của các cá nhân bạo lực, mà còn chỉ ra những rạn nứt trong xã hội. Ngoài mong muốn phục thù, công lý của cuồng nộ được sinh ra bởi sự bất lực của pháp luật và sự sốt ruột của người dân. Trong các vụ đánh trộm, giết trộm, những lý giải người ta hay nghe được là: “Bà con tự xử kẻ xấu cho hả dạ”, hoặc là “pháp luật không làm được gì thì luật rừng phải làm thôi”.

“Tự xử” là từ khoá cơ bản ở đây - người dân tự tay tuyên án và triển khai hành vi trừng phạt. Hành vi xử trộm đem lại cho người ta một cảm giác mạnh mẽ, quyền lực. Gần như người trộm chó là đại diện đứng ra hứng chịu tất cả những bức xúc của người dân vì những bất công họ chịu đựng từ trước tới nay. Với Teju Cole, nhà văn người Nigeria, một quốc gia mà những cuộc hành hình công cộng xảy ra gần như hàng tuần, với cách thức phổ biến là “đeo vòng" (một chiếc lốp ô tô tẩm xăng được đeo vào cổ nạn nhân và châm lửa), công lý của cuồng nộ là một khao khát tới utopia - một tiểu xã hội hoàn hảo, nơi công lý được thực thi tức thì, và những nỗi đau bởi bất công từ bấy lâu được vỗ về an ủi.

Chủ nghĩa tự xử là một thách thức với độc quyền vũ lực của nhà nước pháp quyền, và chúng ta bắt đầu nhìn thấy những di căn đáng ngại của nó. Người ta không chỉ đánh và giết người trong cơn thịnh nộ bùng phát khi bị mất trộm. Một người đàn ông trung niên bị đánh chết trong khi đang cầm bát cơm đi trong xóm, vì bị tưởng nhầm là kẻ trộm. Hai thanh niên đi xe máy, một bị giết chết, một bị đánh trọng thương, chỉ vì trên xe có một bao tải dứa, và người ngồi sau cầm một thanh sắt, “trông giống như đồ trộm chó". Những ví dụ như vậy có thể tìm thấy khá nhiều trên các mặt báo. Trong một số trường hợp, sự trừng phạt không dừng lại khi kẻ trộm đã chết. Ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An, người dân bắt gia đình kẻ trộm trả 20 triệu mới cho xe chở xác nạn nhân rời hiện trường tới nhà mai táng.

Gần đây nhất, vào tháng 5.2016, Nguyễn Văn Nam - một người đàn ông 58 tuổi bé nhỏ và có khuôn mặt khắc khổ ở quận Gò Vấp, TPHCM, cầm dao chém chết người con rể 34 tuổi, khi anh này tới nhà mình trong trạng thái say xỉn, chửi bới thô tục, rồi chất thi thể anh ta lên sau xe máy, chở tới trụ sở công an phường đầu thú. Đằng sau câu chuyện này là một bi kịch con người, là những cá nhân bế tắc trong cuộc sống, là cái nghèo, tác động của rượu, sự thiếu vắng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giải quyết xung đột trong cộng đồng. Nhưng cái ta nhìn thấy qua những bình luận trên mạng là những lời ca ngợi chủ nghĩa tự xử. Ông Nam được nhiều cư dân mạng khen ngợi như một nạn nhân quả cảm, một người hùng tuyệt vọng. Bình luận ngắn gọn “Người đàn ông bản lĩnh nhất năm” nhận được 700 likes trên một trang báo mạng lớn.

Cơ quan phòng chống ma túy Philippines thiêu hủy số cần sa thu giữ được trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy.


Chủ nghĩa tự xử mang trong mình những mâu thuẫn. Nó là một cố gắng dùng một hành vi sai để sửa một hành vi sai. Trong mong muốn tái thiết trật tự công cộng, chủ nghĩa tự xử lại quay ra phá huỷ nó thêm. Người ta trở nên bạo lực nhất, man rợ nhất bởi họ muốn được sống trong hoà bình. Muốn thiết lập công lý, những phiên toà cuồng nộ lại tạo ra những không gian vô pháp luật nhất, nơi những quy ước xã hội bị tạm ngưng cho tới khi đám đông giải tán.

Chủ nghĩa tự xử là một lời cảnh báo ở hai khía cạnh. Một mặt, nó báo hiệu về tính chính danh lỏng lẻo của bộ máy quản trị. Không phải ngẫu nhiên chủ nghĩa tự xử hay xảy ra ở những quốc gia có nền pháp trị yếu kém, nơi người dân mất niềm tin vào bộ máy tư pháp. Đôi khi, nó được dùng như một công cụ để củng cố quyền lực. Tới nay, 2 tháng sau khi ông Rodrigo Duterte - tân thủ tướng của Phillipines kêu gọi người dân tự tay xử những kẻ bị nghi là nghiện ma tuý, đã có gần 2.500 người bị giết.

Mặt khác, chủ nghĩa tự xử thể hiện sự trơ lỳ về mặt đạo đức trong cộng đồng, và do đó nó là một mối nguy hiểm cho bất cứ xã hội nào. Không những không phải là giải pháp, sự cuồng nộ và phục thù ngoài vòng pháp luật dẫn xã hội vào một tương lai u ám, nơi luật rừng, bạo lực và sự tuyệt vọng ngự trị.

Tác giả bài viết: Đặng Hoàng Giang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP