![]() |
Các nghiên cứu cho thấy cao huyết áp có thể dẫn đến suy thoái chức năng não. Ảnh: Shutterstock. |
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lâm Tuấn Phong, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cao huyết áp, một bệnh lý tim mạch phổ biến, đang âm thầm gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là nguyên nhân không qua khỏi của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Cao huyết áp có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, các vấn đề về thị lực và tổn thương mạch máu. Những biến chứng này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn gây ra tàn phế, mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ước tính hàng năm, Việt Nam phải chi hàng nghìn tỷ đồng để điều trị trực tiếp bệnh và chăm sóc những người bị liệt, tàn phế do các tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim.
Đáng lo ngại, người bị cao huyết áp thường không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Chỉ một số ít bệnh nhân trải qua các triệu chứng gợi ý như đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai... khiến họ đi khám. Tuy nhiên, không ít trường hợp người bệnh chỉ cảm thấy một cơn đau đầu thoáng qua, và đó cũng là dấu hiệu cuối cùng trước khi họ đột ngột qua đời do xuất huyết não nghiêm trọng.
Bác sĩ Phong chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp trong cộng đồng, bao gồm tuổi cao, thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn mặn, nhiều chất béo), lối sống ít vận động thể lực, thừa cân béo phì, căng thẳng kéo dài, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và tiền sử gia đình có người mắc bệnh tăng huyết áp. Điều đáng nói là phần lớn những yếu tố nguy cơ này hoàn toàn có thể kiểm soát được, nếu người dân có kiến thức đúng đắn và biết cách phòng tránh.
Việc kiểm soát huyết áp hiệu quả được đánh giá thông qua các chỉ số đo huyết áp sau khi sử dụng thuốc hạ áp. Bác sĩ Phong khuyến cáo nên duy trì chỉ số huyết áp ở mức dưới 140/85mmHg. Đối với người lớn tuổi, mục tiêu ban đầu có thể là dưới 160/90mmHg, sau đó điều chỉnh dần tùy theo khả năng chịu đựng của từng người bệnh.
Điều trị cao huyết áp là một quá trình lâu dài, thậm chí suốt đời. Do đó, ngay cả khi huyết áp đã trở về gần mức bình thường, người bệnh tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc hạ áp.
Bác sĩ Phong cho biết việc ngưng thuốc đột ngột có thể khiến huyết áp tăng trở lại, gây ra những hậu quả khó lường. Người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ thường xuyên để được theo dõi và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp, đặc biệt khi huyết áp có dấu hiệu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong quá trình điều trị.
Tác giả: Nguyễn Thuận
Nguồn tin: znews.vn