Giáo dục

Vì sao nhiều trường đại học bỏ xét tuyển học bạ?

Hàng loạt trường đại học công bố sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT từ năm 2025. Bên cạnh đó nhiều trường cắt giảm mạnh chỉ tiêu cho phương thức này hoặc chỉ là điều kiện sơ tuyển.

Nhiều trường đại học công bố bỏ xét tuyển học bạ THPT từ năm 2025 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đến thời điểm này, có ít nhất 6 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố không sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển đại học trong năm 2025. Vì sao các trường quyết định như vậy?

Bỏ xét tuyển học bạ để đảm bảo chất lượng đầu vào

Trường đại học Sư phạm TP.HCM đã công bố từ năm 2025 nhà trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) trong xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Những thay đổi trong tuyển sinh năm tới của nhà trường nhằm đáp ứng đối với đối tượng học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc này được thực hiện trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi đối với thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại".

Những năm trước, điểm học bạ THPT được trường này sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu).

"Với chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở các tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển theo phương thức này không còn phù hợp.

Năm 2025, trong định hướng phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức chủ đạo, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi này là một kỳ thi độc lập", ông Trung cho biết thêm.

Năm 2025, Trường đại học Kinh tế quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh như năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%), xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%).

Từ năm 2024, trường này đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Theo đại diện nhà trường, nhiều năm qua hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Việc bỏ xét học bạ làm giảm tỉ lệ ảo do một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

Trước đó các trường đại học tốp đầu cả nước như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y Dược TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ THPT.

Các trường này chỉ xét tuyển chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc kết hợp điểm thi với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét điểm thi đánh giá tư duy, xét điểm SAT quốc tế…

Đại học Quốc gia TP.HCM bỏ ưu tiên xét tuyển học bạ

Đại học Quốc gia TP.HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học từ năm 2025, đồng thời khuyến khích các trường xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Với quyết định này, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT (một hình thức xét tuyển học bạ đối tượng xét tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT tại 149 trường THPT theo danh sách cập nhật hằng năm).

Các trường cho rằng việc cắt giảm phương thức xét tuyển sẽ công bằng hơn và giúp thí sinh đỡ rối.

Theo ông Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), năm 2025 trường sẽ tiếp tục triển khai và tăng cường xét tuyển theo hướng tổng hợp nhiều tiêu chí đã áp dụng khá hiệu quả trong 3 năm qua (từ năm 2022 đến nay).

Với xét tuyển tổng hợp, thí sinh được đánh giá kết hợp các thành tố và trọng số tương ứng dùng để xét tuyển.

Tiêu chí học lực (90%) bao gồm ba thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (sáu học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực và hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

Sơ tuyển bằng xét điểm học bạ THPT

Theo phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 Trường đại học Nha Trang vừa công bố, đáng chú ý nhà trường cho biết sẽ tổ chức tuyển sinh theo 2 bước: sơ tuyển và xét tuyển.

Trong đó sơ tuyển (được xem là điều kiện cần) thông qua kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) các môn do trường quy định. Sau đó, trường tổ chức xét tuyển (được xem là điều kiện đủ) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Với kết quả học tập THPT, mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải học một số môn nhất định ở cấp THPT theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tô Văn Phương, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Nha Trang, cho hay việc công bố phương hướng tuyển sinh năm 2025 nhằm định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Với định hướng trên, nhà trường không dùng điểm học bạ xét tuyển như mọi năm. Tiêu chí này chỉ là điều kiện sơ tuyển thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường.

Trong tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường cũng kỳ vọng xét 1 tổ hợp 4 môn thi nhưng cần hỗ trợ của hệ thống phần mềm xét tuyển. Trường xây dựng phương án tuyển sinh trên để dự phòng tình huống hệ thống xét tuyển chưa hỗ trợ đầy đủ xét kết hợp", ông Phương cho biết thêm.

Tác giả: TRẦN HUỲNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP