Giáo dục

Vì sao nhiều trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ?

Trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024, một số trường đại học đã lên phương án bỏ xét tuyển bằng kết quả học bạ ở bậc THPT.

Ủng hộ phương án này, nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển, thay vào đó nên sử dụng kết quả học bạ kết hợp với các điều kiện khác như điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bài kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Cách làm này sẽ có độ tin cậy cao hơn trong bối cảnh dư luận nghi ngại có hiện tượng “làm đẹp” học bạ cho học sinh ở bậc THPT.

Bỏ phương thức xét tuyển học bạ, tăng chỉ tiêu xét tuyển từ các kỳ thi riêng

Trong đề án tuyển sinh 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố tuyển bằng ba phương thức: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, trong năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Các trường đại học đang có xu hướng giảm dần phụ thuộc vào việc xét tuyển kết quả học bạ và thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa

Ngoài ra, mùa tuyển sinh 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng chủ trương tăng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường nhằm mục đích giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu, tức không còn phương thức xét tuyển học bạ đơn thuần.

Trước đó, ngay từ mùa tuyển sinh năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá tư duy và phương án này cũng tiếp tục được duy trì trong mùa tuyển sinh năm 2024.

Bên cạnh việc bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ, một số trường ĐH cũng cho biết sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả của các kỳ thi riêng như thi đánh giá năng lực hoặc tăng thêm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Theo phương án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Kỹ thuật quân sự, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống, năm nay là năm đầu tiên nhà trường dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực do khối các trường ĐH Sư phạm tổ chức trong năm 2024 từ 20% lên 40%.

Trường phổ thông phải có trách nhiệm đánh giá đúng kết quả của người học

Thực tế cho thấy, trong mùa tuyển sinh năm 2023, cả nước có gần 100 trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT và mặt bằng điểm trúng tuyển bằng học bạ của các trường đều cao ngất ngưởng. Thực tế này đã khiến dư luận không khỏi đặt ra một số nghi ngại về việc có hay không tình trạng các trường THPT tìm cách “làm đẹp” học bạ cho học sinh và việc xét tuyển bằng phương thức này liệu có đáng tin cậy?

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT từng chia sẻ: "Chúng ta đang chứng kiến điểm xét tuyển ĐH bằng học bạ tăng đều qua các năm, nếu không muốn nói "lạm phát". Theo thầy Hiền, về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh nhưng kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch thì lúc đó xét tuyển bằng học bạ mới đủ độ tin cậy. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng. Nhiều giáo viên THPT cũng thừa nhận, thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự nghi ngại về việc điểm số đánh giá chưa đúng với lực học của học sinh là có cơ sở. Bên cạnh đó, theo kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD&ĐT tiến hành những năm gần đây có độ “vênh” tại nhiều địa phương. Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Và nều nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào ĐH là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.

Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ khi có hiện tượng “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở bậc THPT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh ĐH do Bộ GD&ĐT ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường ĐH được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ GD&ĐT là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển ĐH hay không thì các trường phổ thông cũng phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

Tác giả: Hùng Quân

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP