Kinh tế

Vì sao loạt chính sách hỗ trợ khó giải ngân?

Trong số 36 đề án, chính sách được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh thông qua để khuyến khích phát triển, đến nay nhiều dự án từ đầu năm đến nay không phát sinh kinh phí giải ngân vì không tìm được đối tượng thụ hưởng, một số chính sách chưa thực sự phù hợp nên không nhận được sự quan tâm dẫn đến khó giải ngân.

Theo Sở Tài chính Hà Tĩnh, năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh có 36 đề án, chính sách được triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực chính như đảm bảo xã hội, phát triển doanh nghiệp hợp tác xã; huy động nguồn nhân lực, hoạt động bộ máy; nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển đô thị; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin Truyền thông... với tổng nguồn kinh phí là 1.230 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng sau hơn 3 năm không có hồ sơ phát sinh đề nghị hỗ trợ kinh phí.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ kinh phí thực hiện các Đề án, chính sách. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phân bổ 843 tỷ đồng, các đơn vị địa phương giải ngân 393 tỷ đồng, bằng 32% dự toán. Bên cạnh một số chính sách phát huy hiệu quả, có tỷ lệ phân bổ, giải ngân khá như Đề án bảo đảm an ninh nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Đề án nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý và chính sách quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng (lĩnh vực an ninh quốc phòng); Chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Chính sách quy định chế độ đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CNTT trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp chuyên trách CNTT (lĩnh vực huy động nguồn nhân lực, hoạt động bộ máy)... thì vẫn còn nhiều đề án chính sách có tỷ lệ giải ngân còn thấp, thậm chí đối tượng thụ hưởng không mặn mà vì những bất cập khi thực hiện.

Đơn cử, Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022- 2025 theo Nghị quyết số 51 ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh, số kinh phí giải ngân chỉ mới đạt hơn 1,5 tỷ đồng, bằng 1,4% dự toán giao và 2,6% số kinh phí đã phân bổ. Kinh phí đối ứng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thực hiện từ tháng 7/2022 nhưng đến nay chỉ mới giải ngân 7 triệu đồng, bằng 0,3% dự toán tỉnh giao và 0,4% số kinh phí đã phân bổ (hơn 4,9 tỷ đồng trong năm 2024).

Nguyên nhân của việc không thể giải ngân, hoặc giải ngân nhỏ giọt trong khi các chính sách này được ban hành xuất phát từ nhu cầu thụ hưởng thực tiễn của đối tượng, là do sau khi chính sách ban hành lại không tìm được đối tượng thụ hưởng, hoặc đối tượng thụ hưởng không mặn mà. Đơn cử, Chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi hành khách đi lại bằng xe buýt và đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt, được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, nhu cầu đi lại bằng xe buýt công cộng của người dân đa phần đều giảm sút. Trong khi đó, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có nhiều tuyến xe buýt công cộng cần trợ giá nhưng các doanh nghiệp vận tải lại không mặn mà với chính sách này. Nguyên nhân là do thời gian thực hiện chính sách này quá ngắn (từ ngày 1/01/2022 đến ngày 31/12/2025) so với vòng đời hoạt động của phương tiện (20 năm).

Hay như Chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng theo Nghị quyết 276 ngày 28/4/2021, Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh và Chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025 theo Nghị quyết 113 ngày 8/12/2023, trong năm 2024 chỉ mới giải ngân được 800 triệu đồng, bằng 5,33% dự toán. Nguyên nhân chính dẫn đến không có hồ sơ phát sinh đề nghị hỗ trợ kinh phí là do nguồn hàng qua cảng Vũng Áng khó khăn hơn so với cảng Cửa Lò (Nghệ An). Đơn vị vận tải khai thác tuyến vận chuyển qua cảng Vũng Áng là Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng đang trong quá trình tái cơ cấu mảng vận tải biển nên tạm dừng khai thác các tuyến tàu, trong đó có tạm dừng tuyến tàu container qua cảng Vũng Áng. Cùng với đó, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Hà Tĩnh có xu hướng giảm, năm 2024 dự báo kim ngạch xuất khẩu tỉnh không đạt kế hoạch đề ra. Trong số 4 trung tâm logistics đến nay chưa có nhà đầu tư triển khai, chưa có doanh nghiệp nào được chấp thuận chủ trương đầu tư Trung tâm Logistics cũng như đầu tư kho hàng hóa.

Để tháo gỡ, theo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Tĩnh, đơn vị đã báo cáo thực trạng triển khai với Thường trực HĐND tỉnh. Trong thời gian tới, tùy theo từng lĩnh vực cụ thể sẽ tiếp tục có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ kinh phí thực hiện các Đề án, Chính sách. Đồng thời, Sở Tài chính đã tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đôn đốc, tham mưu bố trí nguồn lực phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương, đảm bảo kịp thời, khả thi, hiệu quả khi thực hiện các cơ chế chính sách.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP