Nguyễn Hoàng Cường giành vòng nguyệt quế chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 |
4 thí sinh tham gia trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018, gồm: Nguyễn Hữu Quang Nhật (HS Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), Chu Quang Trường (HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM), Nguyễn Hoàng Cường (HS Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) và Lê Thanh Tân Nhật (HS Trường THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị). Cả 4 thí sinh xuất sắc này, không một ai học trường chuyên.
Nhìn lại 17 năm qua, trong tất cả các cuộc thi chung kết năm, đều có sự hiện diện của ít nhất một học sinh đến từ trường chuyên. Cá biệt, năm đầu tiên, 4 thí sinh vào chung kết năm đều là học sinh của 4 trường chuyên là THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).
Chính điều đó đã khiến không ít người nghĩ rằng chỉ giành được thành tích xuất sắc trong Đường lên đỉnh Olympia khi là học sinh trường chuyên. Nhiều học sinh không học trường chuyên tự ti không dám tham gia, vì cho rằng mình chưa đủ "trình" để chinh phục cuộc thi này.
Trường nào cũng có học sinh xuất sắc
Tuy nhiên thực tế, nhìn lại trong số 18 quán quân chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, thì có đến 8/18 học sinh không phải trường chuyên có được thành tích cao nhất. Điều này chứng minh, dù là học sinh trường nào, chuyên hay không chuyên, đều có thể lên bục cao nhất, giành vòng nguyệt quế vinh quang của cuộc thi tri thức dành cho học sinh này.
Điều này càng có cơ sở khi Trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) có đến hai quán quân, mới nhất là Nguyễn Hoàng Cường, người vừa giành điểm số 240, giành vòng nguyệt quế trong chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, và trước đó là nhà vô địch Đặng Thái Hoàng, nhất năm 2012.
Hay Trường THPT Thị xã Quảng Trị, ngôi trường của thí sinh Lê Thanh Nhật Tân (giải nhì năm 2018) cũng từng có Văn Viết Đức, giành ngôi quán quân năm 2015...
Một trường hợp khác, là câu chuyện của thí sinh Chu Quang Trường, dù là học sinh của trường không thuộc tốp đầu ở TP.HCM, nhưng vẫn lọt vào 4 thí sinh xuất sắc nhất Đường lên đỉnh Olympia 2018.
Nói về câu chuyện này, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng không phải học sinh ở trường chuyên mới có thể đạt giải cao ở Đường lên đỉnh Olympia, mà học sinh trường nào cũng có thể có được những kỳ tích ở cuộc thi này.
Ông Trần Đức Thành, Hiệu trưởng THPT An Dương Vương (TP.HCM), lý giải : "Trường chuyên là nơi quy tụ nhiều học sinh giỏi. Nhưng ở các trường không chuyên vẫn có những cá nhân đặc biệt xuất sắc. Không phải học sinh của trường không chuyên là không giỏi, không thông minh. Dù ở trường nào đi chăng nữa thì vẫn có những học sinh nổi bật. Nhiều học sinh giỏi, thậm chí rất giỏi, nhưng vì không muốn áp lực học tập, không muốn học chuyên nên chọn những trường bình thường để học".
Bà Vũ Thị Phượng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh), ngôi trường có thí sinh Nguyễn Hoàng Cường vừa xuất sắc chinh phục vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2018, cho biết: "Dù không phải là trường chuyên, nhưng bản thân tôi nhận ra có rất nhiều học sinh giỏi, xuất sắc. Không có sự chênh lệch nào giữa học sinh trường chuyên và không chuyên trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Và rất vui vì đây là lần thứ hai, Trường THPT Hòn Gai "sở hữu" nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia".
Ngoài ra, đặc thù của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là tập hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa, càng không phải là kiến thức chuyên sâu, mà là kiến thức rộng. Chính vì thế không phải học sinh trường chuyên thì có lợi thế trong cuộc thi này. Mà với bất kỳ học sinh ở trường nào, nếu có đam mê, năng khiếu và yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu..., cũng như được học trong một trường có định hướng cho học sinh tham gia sân chơi này thì cũng có thể đạt được những kết quả cao trong Đường lên đỉnh Olympia.
Cả 4 thí sinh lọt vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 năm nay đều không phải là học sinh trường chuyên (ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH) |
Gieo động lực và sự tự tin cho học sinh cả nước
Thành tích của Nguyễn Hoàng Cường (học sinh Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) nói riêng và các thí sinh trong chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 nói chung, đã gieo được động lực và sự tự tin cho học sinh trên cả nước, nhất là các học sinh không học trường chuyên.
"Trước đây, em nghĩ rằng chỉ có học sinh trường chuyên mới có cơ hội được tham gia chương trình này, cũng như có nhiều khả năng để giành được vòng nguyệt quế. Thế nhưng nhìn lại, mới nhận ra điều đó không đúng. Dù học sinh ở trường nào, tỉnh thành nào, có học trường chuyên lớp chọn hay không thì cơ hội vẫn dành cho tất cả. Từ đó, em có thêm hy vọng để chinh phục cuộc thi này", Trần Thanh Mỹ, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), chia sẻ.
Nhiều học sinh cũng có chung suy nghĩ như Mỹ. "Em có thêm niềm tin, hy vọng và động lực để tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia", một học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM), cho biết.
Ông Nguyễn Tỷ Chế Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (ngôi trường có thí sinh Chu Quang Trường tham gia chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018), cho biết: "Theo tôi, câu chuyện của Trường nói riêng và nhiều thí sinh không phải học trường chuyên tham gia Đường lên đỉnh Olympia nói chung, sẽ tạo động lực lớn cho các học sinh. Nếu các em có sự cố gắng, trau dồi kiến thức kỹ lưỡng, có sự tìm tòi, nghiên cứu kiến thức ở nhiều lĩnh vực, thì vẫn có thể tạo được những bất ngờ trong chương trình này".
Chu Quang Trường, từng là học sinh tiên tiến năm lớp 10, nhưng vẫn tạo nên kỳ tích lọt vào chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018. Trường chia sẻ: "Không cảm thấy thua thiệt khi không phải là học sinh trường chuyên. Không có khoảng cách nào giữa các thí sinh, dù đến từ trường chuyên hay không chuyên cả. Bởi lẽ học sinh trường nào, ngoài việc tiếp nhận tri thức từ thầy cô giáo, thì cũng có thể tự mình tìm kiếm thông tin, kiến thức trên sách, báo, internet. Nếu có sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, chuẩn bị cả tinh thần và kiến thức, thì đều có cơ hội trong Đường lên đỉnh Olympia".
Trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã có thành tích hai lần có thí sinh lọt vào chung kết năm. Nếu như năm 2015, Văn Viết Đức đã đem vòng nguyệt quế về trường, thì năm nay, Lê Thanh Tân Nhật đã xuất sắc giành giải nhì chung cuộc.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Thị xã Quảng Trị, chia sẻ: "Năm 2015, khi Văn Viết Đức giành ngôi quán quân, bản thân tôi và giáo viên trong trường rất bất ngờ. Tuy nhiên đến nay, thì việc Tân Nhật lọt vào chung kết năm không phải là điều quá bất ngờ. Bởi lẽ trường đã có sự chuẩn bị tốt. Và điều này chứng minh là bất kỳ học sinh trường nào cũng có thể giành được giải cao trong Đường lên đỉnh Olympia".
Ông Dũng tin tưởng những câu chuyện của tốp 4 chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2018 sẽ là động lực cho học sinh trên cả nước hy vọng mình, dù học ở trường nào, cũng có thể làm được điều tương tự.
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm: "Để học sinh của trường tự tin hơn trong việc tham gia các cuộc thi trí tuệ, như Đường lên đỉnh Olympia, ngoài việc trau dồi kiến thức thường xuyên cho học sinh, trường cũng tổ chức những cuộc thi để tuyển chọn. Trường tôi có tổ chức cuộc thi Chinh phục đỉnh cao, qua đó tìm kiếm những gương mặt xuất sắc đại diện cho trường thi Đường lên đỉnh Olympia. Và rất vui khi tạo ra những trái ngọt như Tân Nhật, Văn Viết Đức".
Còn tân quán quân Nguyễn Hoàng Cường chia sẻ rằng: "Kiến thức trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là muôn hình vạn trạng, tập hợp kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực, từ toán lý hóa cho đến văn sử địa và cả những kiến thức trong cuộc sống. Thế nên việc thí sinh nào hiểu biết nhiều hơn, tìm hiểu ở những lĩnh vực hơn thì có nhiều phần trăm chiến thắng hơn".
Tác giả: Thanh Nam
Nguồn tin: Báo Thanh Niên