Trong nước

Vì sao Học viện Quân y được chọn là nơi phát triển kit test Việt Á mà không phải nơi khác?

Thượng tá Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài từng cho biết, Học viện Quân y đã đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 Việt Á và được Bộ KH-CN phê duyệt.

Học viện Quân y chủ động vào cuộc, nghiên cứu

Mới đây, trong thông cáo của UBKT Trung ương đã kết luận việc Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cùng nhiều cán bộ khác có vi phạm liên quan vụ kit xét nghiệm Covid-19 Việt Á, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Liên quan đến vụ việc này, một câu hỏi được đặt ra là vì sao Học viện Quân y được chọn làm nơi phát triển kit test Việt Á mà không phải là nơi khác?

Theo thông tin từ Bộ Khoa học - Công nghệ, bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu, sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia, với tên đầy đủ là "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)", mã số ĐTĐL.CN.29/20.

Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng, không có thêm nguồn tiền ngoài.

Tham gia nhiệm vụ nghiên cứu có 17 thành viên, trong đó, tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y, do Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân Y, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu.

Ngoài ra, có 4 thành viên thuộc Công ty Việt Á, trong đó, có Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc đã bị bắt.

Bộ kit test Covid-19 Việt Á.

Tại cuộc họp báo vào ngày 5/3/2020, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y khi đó chia sẻ, xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc phải sớm có bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nên đã chủ động vào cuộc, triển khai tất cả các hướng.

Ông nói, sau hơn 1 tháng miệt mài nghiên cứu không ngừng nghỉ, các nhà khoa học nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm, đến hôm nay (5/3/2020 - PV), 2 đơn vị (Học viện Quân y và Cty Việt Á) đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kit.

Giám đốc Học viện Quân y khi đó, cũng nêu rõ, có thể khẳng định thành công của đề tài chính là lần đầu tiên Việt Nam đã có bộ kit do chính Việt Nam sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt tương đương với chất lượng bộ kit Việt Nam đang sử dụng của thế giới

Còn trả lời trên báo Quân đội nhân dân vào tháng 3/2020, Thiếu tướng Phạm Đức Thọ, Phó Chính ủy Học viện cho hay, ngay từ khi có dịch Covid-19, Học viện đã ra quyết định thành lập 5 tổ thực hiện công tác phòng chống dịch, phân công theo từng nhiệm vụ, như: Tổ thư ký; tổ truyền thông; tổ nghiên cứu; tổ điều trị; tổ Phòng chống dịch.

Trong đó, tổ nghiên cứu do GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện làm Tổ trưởng. Nhóm nghiên cứu kit của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự là hạt nhân của tổ nghiên cứu...

Sau 1 tháng đã có những sản phẩm đầu tiên

Còn Thượng tá Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ trên Vnexpress, cho hay, tháng 12/2019, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) các nhà dịch tễ học đánh giá chắc chắn virus sẽ xâm nhập Việt Nam.

Ngày 20/1/2020 BGĐ Học viện Quân y đã triệu tập các nhóm nghiên cứu, yêu cầu tìm hiểu về dịch bệnh này, chuẩn bị các thông tin liên quan, đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phòng chống dịch.

Ngày 30/1/2020, Bộ KH-CN tổ chức họp, mời các chuyên gia hiến kế ứng phó với dịch bệnh. Thông tin chia sẻ tại cuộc họp cho thấy, để xác định được một người nhiễm bệnh phải có sinh phẩm, kit chẩn đoán. Thế giới lúc đó sinh phẩm rất khan hiếm.

WHO cấp cho Việt Nam chỉ vài chục test. Vì vậy, nghiên cứu chế tạo kit là một trong những yêu cầu cấp bách hàng đầu.

Học viện Quân y đã đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV. Ngày 3/2/2020, nhiệm vụ được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt với yêu cầu, sau một tháng phải có sản phẩm kit xét nghiệm phục vụ chống dịch.

Trả lời trên báo Quân đội nhân dân vào tháng 3/2020, Thượng tá Sơn cho hay, ngày 10/1/2020, thế giới bắt đầu biết đến thông tin về một căn bệnh lạ xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Sau đó 3 ngày, Trung Quốc tìm ra và công bố với thế giới về loại virus gây bệnh này.

Trên cơ sở đó, tất cả nhóm nghiên cứu trên thế giới đều tập trung tìm phương pháp chẩn đoán, phát hiện bệnh và tìm cách phân loại virus trong môi trường nuôi cấy.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch nghiên cứu đề tài. Đầu tiên là liên hệ với đối tác tại Bệnh viện Charite (Berlin, Đức) để có thông tin di truyền, phương tiện xác định 2019-nCoV.

Đến khi được Bộ KH-CN giao nhiệm vụ chính thức thực hiện đề tài vào ngày 7/2/2020, trong vòng một tháng, cả nhóm nghiên cứu đã "ăn, ngủ cùng virus”, không kể ngày đêm, miệt mài với những nghiên cứu, thử nghiệm.

Nhóm đã làm việc với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chạy đua với thời gian để có sản phẩm góp phần phòng chống dịch Covid-19.

Chủ nhiệm đề tài cũng chia sẻ trên Vnexpress, gần 80 người tham gia nhóm nghiên cứu, trong đó 17 thành viên chính là các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia đầu ngành lĩnh vực y sinh, hô hấp, truyền nhiễm... Số còn lại là các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên đảm nhiệm việc thu thập mẫu, xét nghiệm, phân tích...

Sau một tháng, nhóm đã hoàn thiện quy trình và có những sản phẩm kit đầu tiên, phát hiện chính xác nCoV trong mẫu bệnh phẩm với độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương kit của Đức và kit của CDC Mỹ sử dụng thời điểm đó.

Thượng tá Hồ Anh Sơn (người đứng) và Phan Quốc Việt (ngồi bên trái) trong buổi họp báo ngày 5/3/2020.

PGS.TS Hồ Anh Sơn khẳng định, giai đoạn 1 của công trình NC, các nhà khoa học đảm nhiệm chế tạo sản xuất quy mô ở phòng thí nghiệm; giai đoạn 2 do Công ty Việt Á thực hiện.

Tại thời điểm đó, Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất test/kit, đã có một số bộ test/kit được Bộ YT cấp phép sử dụng trước đó, có cơ sở SX của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016.

Đáng lưu ý là ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 do Bộ KH-CN thành lập đã nghiệm thu kết quả, đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ sản phẩm này.

Ngay hôm sau, 4/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định cấp phép tạm thời cho phép sử dụng bộ kit này.

Lý giải về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng cấp phép theo quyết định phê duyệt của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu, Bộ KHCN.

Trong khi đó, tháng 4/2020, Công ty Việt Á công bố thông tin được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Công ty có năng lực sản xuất khoảng 10.000 bộ kit/ngày, có thể gấp 3 - 4 lần khi cần, giá của mỗi bộ từ 400.000 - 600.000 đồng.

Theo Bộ Công an, quá trình mở rộng điều tra vụ kit test Việt Á, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ KH-CN.

Cùng với đó là dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định 774/QĐ-BYT ngày 4/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định 5071/QĐ-BYT ngày 4/12/2020) sản phẩm kit xét nghiệm Covid- 19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đang tích cực điều tra, xác minh tại các bộ, ban, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, thông tin quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm kit test của Việt Á.

Tác giả: Hoàng Đan

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP