Nhiều người nghĩ dạy học sinh giỏi khó. Tôi thì lại thấy thực sự dễ. Bởi một đội tuyển học sinh giỏi thực chất có 5-7 thầy dạy, lại toàn bạn thông minh vốn có. Tôi thường nghĩ vui, mình chả dạy các em cũng đỗ, có khi còn đỗ cao hơn ấy.
Học sinh giỏi dễ bị chủ quan, ảo tưởng
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tôi nhận thấy với những giáo viên thường xuyên cải thiện phương pháp, nâng cao chuyên môn thì việc dạy học sinh giỏi thực sự dễ.
Vì thực ra, thành tích của nhóm đối tượng này phụ thuộc vào năng lực bản thân của các em nhiều hơn là năng lực các thầy. Mức độ hiểu bài cũng như khả năng tự học của các em khiến cho việc truyền đạt kiến thức của người giáo viên trở nên dễ dàng và hiệu quả.
Thế nên, cái khó duy nhất khi đi dạy chỉ là kiến thức của người thầy sao cho học sinh nể phục. Tuy nhiên, với thời đại Internet hiện nay, việc bổ sung kiến thức thực sự dễ dàng.
Chỉ cần có tâm cầu tiến, mọi giới hạn về không gian, tuổi tác… đều có thể được xóa bỏ. Giáo viên có thể dạy tốt hơn, cũng như học sinh sẽ không ngừng tiến bộ.
Thầy giáo Trần Quốc Anh. Ảnh: NVCC.
Có một sai lầm phổ biến nhiều học sinh khá giỏi cũng như phụ huynh các em hay mắc phải, đó là quan niệm “Học giỏi là biết nhiều”, “Học trước thì mới tự tin”. Điều này khiến các em trở nên thụ động ngay cả với những phần kiến thức dễ, chỉ cần hơi “lạ” chút đã có thể gặp khó khăn.
Việc “học trước”, “học lướt” quá nhiều cũng khiến một số em hình thành tâm lý chủ quan, ảo tưởng về bản thân.
Tôi từng gặp những học sinh cấp 2 được nhiều huy chương ở những kỳ thi quốc tế. Có bạn lớp 6, lớp 7 qua những “lò luyện thần đồng”, hay gia sư ở nhà, đã được học hết kiến thức lớp 9, thậm chí lớp 12.
Chính nhờ việc học trước đó nên các bạn đi thi có giải. Khi đã có giải, nhiều bạn không chú tâm vào việc học ở trường, nhiều lỗ hổng kiến thức bắt đầu phát triển. Đến cuối lớp 9, khi nền tảng mọi học sinh được trang bị như nhau, kết quả thi vào lớp 10 của nhóm này thường không được như mong muốn.
Nên biết trước vừa đủ
Vẫn biết bố mẹ nào cũng lo cho con, việc định hướng sớm là điều cần thiết. Thế nhưng, làm thế nào để học sinh có năng khiếu Toán được phát triển tự nhiên, toàn diện? Sau đây, tôi xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ để mỗi người có thêm những góc nhìn, từ đó tìm ra câu trả lời phù hợp cho riêng mình.
Năm ngoái, một trong những học trò xuất sắc của tôi là Phan Hữu An - Lớp 7, THCS Nguyễn Trường Tộ - đạt thủ khoa ký thi MYTS (Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ). Trong kỳ thi, giải nhất có thể nhiều nhưng thủ khoa chỉ có một. Điều thú vị là những bạn cùng trang lứa dự thi cùng An, có tới trên 90% là “học trước”.
Trải qua 10 năm đi dạy, tôi nhận ra phần lớn học sinh cấp 2 của Hà Nội (kể cả học sinh giỏi hay xuất sắc) thường không có thói quen quan sát và định hướng khi giải Toán. Lời giải của các em phần lớn thiên về tư duy thói quen, hay năng lực cảm tính. Chính vì thế, đứng trước một bài toán lạ, các em thường lúng túng, có bạn giải được cũng mất nhiều thời gian và rất lòng vòng.
Cậu học trò Phan Hữu An của tôi cũng vậy. Những ngày đầu, An có nhiều lời giải thú vị nhưng thường phức tạp, khiến cho việc trình bày, diễn giải ý tưởng của em gặp nhiều khó khăn.
Tôi thường góp ý với An về cách quan sát những dấu hiệu để khám phá ra những lời giải ngắn gọn hơn. Ngoài ra, tôi tặng nhiều cuốn sách quý và bổ ích để em tự đọc ở nhà.
Mỗi ngày, cứ chỉnh sửa một chút như vậy và thành công của An không khiến tôi bất ngờ. Đối với người thầy, chẳng gì vui hơn khi thấy trò của mình đạt kết quả cao mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hài hòa, không căng thẳng, mệt mỏi vì đi học thêm quá nhiều như số đông còn lại.
Điều thú vị nhất của việc dạy học sinh giỏi, đó là thấy các em khéo léo vận dụng kiến thức đúng chương trình để giải bài tập khó, giống như “những cây rau hoang sơ, được chăm sóc hàng ngày mà không dùng thuốc kích thích”.
Có một chân lý giản đơn tôi tin nhiều người sẽ công nhận, đó là “Nhà càng cao, móng càng phải sâu”. Thay vì chạy theo đám đông hỗn loạn, chúng ta nên tĩnh hơn, hướng các con theo phương pháp học kỹ - học hiểu. Biết trước vài bài là đủ, đừng nên biết trước quá nhiều.
Việc tiếp thu kiến thức của các con sẽ nặng nề như vác gạo vào kho, hay nhẹ nhàng như mở cửa đón bình minh buổi sớm? Điều này phụ thuộc nhiều vào phương pháp tư duy cũng như quan điểm giáo dục của thầy cô và cha mẹ.
Thầy Trần Quốc Anh là cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hiện luyện thi Toán tại Hà Nội. |
Tác giả bài viết: Trần Quốc Anh
Nguồn tin: