Tân binh Joseph của Nam Định là gương mặt cũ của Hải Phòng |
Ở V.League, chỉ có mỗi Hà Nội là không phụ thuộc vào ngoại binh quá nhiều. Thậm chí đôi khi, nội binh “gánh” luôn cho các cầu thủ nước ngoài. Còn lại, thành tích của các CLB phụ thuộc vào năng lực của các cầu thủ ngoại. Đơn cử như Nam Định lần đầu tiên giành chức vô địch V.League có sự đóng góp rất lớn của bộ đôi tiền đạo Hendrio và Rafaelson. Con số 41/60 bàn thắng của bộ đôi này cho đội bóng thành Nam đã nói lên công trạng. Bình Định cũng không thể chơi thăng hoa nếu không sở hữu trục dọc ngoại binh Marlon, Artur và Alan chất lượng. Thể Công Viettel vật vả ở lượt đi do ngoại binh kém và bật lên khi tìm được lực lượng “lính đánh thuê” thiện xạ hơn. Ngoại binh kém bởi chỉ có mỗi Olaha là tốt nên đoàn quân trẻ triển vọng ở SLNA thiếu điểm tựa chuyên môn cũng như tinh thần để rồi phải đến vòng cuối cùng mới trụ hạng thành công.
Chất lượng ngoại binh chiếm đến một nửa sự thành bại của đội bóng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm cầu thủ nước ngoài mới toanh trong những năm qua không hề đơn giản khi phụ thuộc vào độ may rủi khá cao. Ý thức được những nguy cơ khi đặt niềm tin vào các cầu thủ mới nên ngay sau khi mùa giải kết thúc, các đội đã lập tức chạy đua để tìm cho mình những bản hợp đồng chất lượng, đã thẩm định được năng lực. SHB.ĐN đã ký hợp đồng với trung vệ Marlon của Bình Định trong lúc một cầu thủ khác của đội bóng đất Võ là Alan cập bến CAHN. HAGL cũng đã tái ký hợp đồng với trung vệ Jairo. Tiền đạo Joseph Mpande cũng đã đến đầu quân cho Nam Định sau một thời gian dài gắn bó với Hải Phòng. Ngoài ra, Nam Định, Thanh Hóa… cũng đã “cột chặt” những cầu thủ những cầu thủ đã chơi với những đội bóng này trong mùa giải vừa qua như Antonio, Rimario, Rafaelson, Hendrio…
Tiền đạo Alan (72) đến CAHN sau 1 mùa giải với Bình Định |
Dù vậy, không phải tất cả các ngoại binh ở V.League 2023/24 đều chơi tốt. Nhiều cầu thủ đã phải chia tay, không được tái ký hợp đồng hoặc đến CLB khác do năng lực chuyên môn yếu. Điều đó tạo khoảng trống lớn ở nhiều đội bóng nên nhu cầu ngoại binh mới vẫn rất nhiều. Đơn cử như Bình Định cần 2 cầu thủ mới để thay thế cho Marlon và Alan. SLNA thậm chí có thể sẽ thay mới 3 ngoại binh nếu như Olaha tìm bến đỗ mới. Tương tự, TP.HCM cũng phải làm lại từ đầu lực lượng “lính đánh thuê” sau khi phải nói lời tạm biệt bộ ba cầu thủ nước ngoài ở mùa giải vừa qua do chất lượng không đáp ứng hoặc không thể giữ chân. Tương tự, Bình Dương trong cơn khát vô địch chắc chắn cũng phải làm mới lực lượng lính đánh thuê này…
Có một thực tế rằng với các ngoại binh, họ cần được kiểm chứng bằng năng lực tập luyện, thi đấu giao hữu trên sân chứ không thể qua những bản “sơ yếu lý lịch” hay những clip đẹp vỏn vẻ khoảng 10 phút nhưng tổng hợp đến hàng chục năm thi đấu. Theo kế hoạch, V.League 2024/25 sẽ khởi tranh từ ngày 14/9 tới. Đến thời điểm này, các đội mới bắt đầu tập trung trở lại để chuẩn bị chuyên môn. Điều này cũng đồng nghĩa, các đội sẽ có khoảng 7 tuần để tuyển chọn nhân sự. So với những mùa bóng trước, đây là khoảng thời gian không dài trong lúc tuyển chọn ngoại binh mới không dễ nên chưa chắc chắc đội đã có thể tìm được những ngoại binh như ý để khỏa lấp vào khoảng trống đang còn lại.
Tác giả: Hồng Quảng
Nguồn tin: bongdaplus.vn