Thông tin giới thiệu trên fanpage trước đó |
Chi cục Thuế quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết lần đầu tiên mới gặp trường hợp doanh nghiệp như vậy. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng mới phát hiện doanh nghiệp xuất 6.000 tỉ đồng hóa đơn rồi bỏ trốn.
Vốn chỉ 2,5 tỉ, xuất hóa đơn hơn 34.000 tỉ đồng
Sau thông tin một công ty yến sào tại Bình Thạnh xuất hóa đơn 34.000 tỉ trong bảy ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 21-7, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã có báo cáo Cục Thuế TP.HCM về trường hợp này.
Theo báo cáo, công ty yến sào nêu trên là Công ty TNHH Yến Sào Hubnest, mới được thành lập vào ngày 11-10-2022. Công ty đặt trụ sở trên đường Phạm Văn Đồng, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Số liệu kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) quý 1-2023 cho thấy công ty này xuất sáu hóa đơn điện tử và kê khai doanh thu phát sinh là hơn 34.567 tỉ đồng, không phát sinh thuế VAT phải nộp.
Nội dung của hóa đơn là "Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10-2022, VN30F2211 tháng 11-2022, VN30F2212 tháng 12-2022, VN30F2301 tháng 1-2023, VN30F2302 tháng 2-2023, VN30F2303 tháng 3-2023". Ở mục tên người mua là "khách hàng không lấy hóa đơn".
Hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế VAT, nhưng doanh nghiệp xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế VAT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại quận 1, TP.HCM.
Sau khi rà soát trên hệ thống và phát hiện doanh nghiệp này đã xuất hóa đơn điện tử với doanh thu khủng như trên, đầu tháng 5 vừa qua, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã mời doanh nghiệp này lên giải trình tình hình hoạt động.
Giao dịch chứng khoán phái sinh khối lượng khủng
Giải trình với cơ quan thuế, doanh nghiệp này cho biết công ty kinh doanh yến sào nhưng thực tế phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty thực hiện giao dịch thông qua một công ty chứng khoán lớn bằng phương thức khớp lệnh.
Doanh thu phát sinh trong quý 1 lên đến hơn 34.574 tỉ đồng, cao hơn nhiều lần so với số vốn đăng ký của doanh nghiệp là 2,5 tỉ đồng.
Doanh nghiệp giải trình là do vòng quay vốn của doanh nghiệp lớn vì đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỉ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp bốn lần vốn. Chẳng hạn doanh nghiệp có thể sử dụng 25 triệu đồng tiền ký quỹ (tương đương 25%) để giao dịch một hợp đồng tương lai 100 triệu đồng và lập lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày.
Trong kỳ, công ty giao dịch khoảng 30.634 hợp đồng, chiếm 0,5 - 0,7% giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, vốn thực tế giao dịch chỉ là 4,38 tỉ đồng.
Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cho biết đây là trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh lần đầu tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh.
"Công ty TNHH Yến Sào Hubnest kinh doanh chứng khoán thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp và Chi cục Thuế quận Bình Thạnh lần đầu quản lý doanh nghiệp có loại hình kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Do vậy, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đề nghị Cục Thuế TP.HCM chỉ đạo, hướng dẫn và phân cấp quản lý", báo cáo của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh nêu.
Dẫn quy định tại Luật Kinh doanh chứng khoán số 54 ban hành năm 2019 và nghị định 123 của Chính phủ về quản lý hóa đơn chứng từ, Chi cục Thuế Bình Thạnh đề xuất trường hợp công ty kinh doanh yến nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh thì khoản thu nhập này không chịu thuế VAT theo quy định tại thông tư 219. Tuy nhiên, công ty vẫn phải lập hóa đơn theo quy định.
Cơ quan thuế cũng bối rối
Đơn giá cho hóa đơn xuất bán chứng khoán phái sinh trên sàn chứng khoán là giá thanh toán khớp lệnh giao dịch hợp đồng tương lai giữa các nhà đầu tư thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán.
Ông Đặng Khắc Phúc, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, cho biết với quy định hiện hành rất khó phát hiện ngay các trường hợp gian lận bởi việc xuất hóa đơn điện tử thì công ty đặt ở bất cứ đâu, kể cả Campuchia, Tây Ninh cũng có thể xuất hàng ngàn tỉ hóa đơn suốt ngày đêm.
Tại thời điểm phá án của Công an Phú Thọ vào tháng 10-2022, ngành thuế chưa có ứng dụng đưa ra phân tích cảnh báo người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành sử dụng hóa đơn điện tử.
Chưa kể hiện nay một công chức thuế quản lý hàng ngàn doanh nghiệp, có đến 64 đầu việc trong một ngày. Việc thành lập doanh nghiệp mới lại quá dễ dàng dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để mua bán hóa đơn nhưng các công cụ, ứng dụng để hỗ trợ thực hiện chưa có và công chức đã quá tải trong giải quyết công việc nên dễ dẫn đến rủi ro trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Hiện việc đối chiếu rà soát đều phải thực hiện thủ công dẫn đến rất mất thời gian. Có một số trường hợp phát hiện sau quá trình phân tích, đánh giá, công chức mời doanh nghiệp giải trình cung cấp thông tin nhưng phải theo quy trình.
Mời lần thứ nhất năm ngày không lên thì phải mời lần hai sau năm ngày, như vậy là mất 10 ngày. Chưa kể ngành thuế chưa có chức năng điều tra doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp và bỏ trốn.
Nhiều chi cục thuế cho biết qua thời gian triển khai hóa đơn điện tử nhận thấy rất nhiều rủi ro trong quản lý thuế. Trên mạng xã hội vẫn rầm rộ công khai mua bán hóa đơn trái phép, các đối tượng mua bán hóa đơn điện tử còn xoay nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan thuế.
Gần đây, nhiều chi cục thuế liên tục tiếp nhận rất nhiều công văn do Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công an TP.HCM, Công an Phú Thọ... gửi yêu cầu đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, cá nhân.
Chia sẻ tại hội nghị sơ kết công tác thuế sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác thuế sáu tháng cuối năm của Cục Thuế TP.HCM vào hôm 19-7, ông Đặng Khắc Phúc, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, cho biết đợt rà soát vừa qua cho thấy không chỉ một công ty yến sào xuất hóa đơn giá trị 34.000 tỉ đồng (tương đương gần 1,5 tỉ USD) chỉ trong vòng bảy ngày nêu trên mà còn có doanh nghiệp xuất 6.000 tỉ đồng hóa đơn nhưng sau đó cơ quan thuế mời thì không lên và bỏ trốn. |
Tác giả: ÁNH HỒNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ