Công ty Phương Đông hiện là chủ sở hữu một số khách sạn lớn nhất nhì tại tỉnh Nghệ An như Mường Thanh Grand Phương Đông và Mường Thanh Grand Cửa Đông.
Năm 2007, Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản từ UBND Nghệ An hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và dịch vụ khách sạn.
Khách sạn Mường Thanh Phương Đông tại thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Chudu.
Tuy nhiên, năm 2011, khi PVN trở thành cổ đông chiến lược tại OceanBank, toàn bộ vốn tại Phương Đông được chuyển giao cho OceanGroup, một tập đoàn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng... Đặc thù là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, OceanGroup đã chủ trương chuyển đổi mục đích kinh doanh của Phương Đông từ mảng kinh doanh chính là phân bón sang mảng kinh doanh khách sạn.
Tại năm 2011, Phương Đông đang có khoản lỗ lũy kế hơn 52 tỷ đồng, nguồn gốc của khoản lỗ lũy kế này chính là từ khoản lỗ ròng 60 tỷ đồng của công ty vào năm 2009.
Sau khi OceanGroup hoàn tất chuyển dịch lĩnh vực kinh doanh sang khách sạn, nghĩ dưỡng là chủ yếu, cơ cấu doanh thu của Phương Đông sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên khoản lợi nhuận ròng thu về từ lĩnh vực này lại hấp dẫn hơn rất nhiều lĩnh vực phân bón trước đó.
Theo đó, trong khi doanh thu giai đoạn 2012-2014 của Phương Đông sụt giảm trung bình 20-30% mỗi năm thì kết quả lợi nhuận lại tăng mạnh, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng lãi ròng.
CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông vẫn còn khoản lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng. Đồ họa: Quang Thắng.
Năm 2015, OceanGroup gặp khủng hoảng nghiêm trọng khi OceanBank nơi OceanGroup nắm giữ phần lớn vốn cổ phần đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Phương Đông cũng lao dốc. Theo đó, năm 2015, Phương Đông chỉ ghi nhận 65 tỷ đồng doanh thu, giảm 34%, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt chưa tới 800 triệu đồng, giảm gần 4 lần so với năm 2014.
OceanGroup cũng buộc phải bán cổ phần nắm giữ tại Phương Đông. Chủ nhận tiếp theo của Phương Đông không phải cái tên xa lạ mà chính là "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.
Theo tính toán, ông Lê Thanh Thản đã phải chi tới 70 tỷ đồng để thâu tóm cổ phần tại Phương Đông. Hiện tại, thông qua các cá nhân và tổ chức liên quan, ông Thản đang nắm giữ khoảng 10,05 triệu cổ phần tại Phương Đông, tương đương hơn 67% vốn điều lệ công ty này.
Thời điểm này, Phương Đông đang là chủ sở hữu của 2 khách sạn lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An khi đó là khách sạn Cửa Đông và khách sạn Phương Đông tại vị trí đất vàng số 2 đường Trường Thị, thành phố Vinh.
Cũng là tập đoàn có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng, Mường Thanh sau khi thâu tóm được Phương Đông vẫn tiếp tục tập trung phát triển kinh doanh khách sạn. Tập đoàn này sau đó đã đổi tên khách sạn Phương Đông thành Mường Thanh Grand Phương Đông, và khách sạn Cửa Đông thành Mường Thanh Grand Cửa Đông.
Sau khi về tay "đại gia điếu cày", kết quả kinh doanh khách sạn của Phương Đông khởi sắc trở lại.
"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản hiện nắm giữ trực tiếp 20% cổ phần tại Phương Đông. Đồ họa: Quang Thắng.
Theo đó, năm 2016, doanh thu dịch vụ khách sạn, nghĩ dưỡng sụt giảm 20% so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng công ty này thu về lại tăng gấp 6 lần đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Phương Đông, 3 tháng đầu năm 2017, công ty này ghi nhận 15 tỷ đồng doanh thu, và lãi ròng 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đang lỗ gần 220 triệu đồng. Mức lợi nhuận mà Phương Đông thu về trong quý I/2017, thậm chí còn ngang ngửa lợi nhuận cả năm của công ty này những năm trước đó.
Khởi sắc trong kết quả kinh doanh nhưng công ty kinh doanh khách sạn nổi tiếng ở Nghệ An này vẫn đang có khoản lỗ lũy kế gần 31 tỷ đồng, tính đến hết quý I năm nay.
Tác giả bài viết: Quang Thắng
Nguồn tin: