Công chức giải quyết hồ sơ tư pháp - hộ tịch cho người dân - Ảnh: TỰ TRUNG |
Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ lãnh đạo các phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Sau hơn 10 ngày thành lập, các phường mới đã đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo công tác phục vụ người dân.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất tại các phường hiện nay là việc bố trí, sắp xếp cán bộ. Trong giai đoạn đầu, biên chế tại các phường được nhập cơ học, khiến nhiều vị trí đang dôi dư nhân sự.
Như tại phường 9, quận 3 hiện nay có 44 biên chế làm việc. Theo bí thư Đảng ủy phường 9 Ngô Thị Hiên, trụ sở UBND phường 9 trước đây có 28 người, nhưng đến nay có 44 người nên có nhiều khó khăn trong việc bố trí nhân sự, chỗ làm việc, trang thiết bị.
Hay tại phường Hưng Phú, quận 8 (sáp nhập phường 8, 9, 10) hiện nay có 62 nhân sự. Chủ tịch phường Hưng Phú Đỗ Thị Vân cho biết do giai đoạn đầu, số lượng nhân sự được nhập cơ học từ ba phường nên có nhiều khó khăn trong việc bố trí công việc cho từng cán bộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Hoài Bảo - trưởng Phòng Nội vụ quận 8 - cho biết sau sáp nhập các phường, quận 8 có khoảng 131 nhân sự dôi dư. Trong đó có 36 cán bộ, 62 công chức và 33 người hoạt động không chuyên trách.
Đến nay quận 8 hoàn thành việc bố trí cán bộ chủ chốt tại các phường. Các trường hợp còn lại, quận 8 báo cáo Sở Nội vụ lộ trình sắp xếp trong vòng 5 năm. Thời gian qua quận 8 đã có rà soát những đơn vị không thuộc diện sắp xếp đơn vị còn thiếu nhân sự để bố trí lượng nhân sự dôi dư này và sẽ tiếp tục thực hiện trong vòng 5 năm tới.
Bên cạnh đó, quận 8 cũng rà soát những trường hợp không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ sau, vận động nghỉ hưu trước tuổi. Có 6 trường hợp là bí thư, phó bí thư Đảng ủy, phó chủ tịch phường… đã đồng thuận về hưu trước tuổi.
Cũng theo ông Bảo, bên cạnh chính sách hỗ trợ chung của trung ương, HĐND TP.HCM cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho các nhân sự bị ảnh hưởng. Các chính sách này đã tạo sự đồng thuận cao, nhân sự nghỉ việc không có nhiều tâm tư.
"Số tiền hỗ trợ hiện nay phải báo cáo cụ thể cho TP. Qua rà soát, có anh chị nhận được 600-700 triệu, có người nhận 200-300 triệu, có người nhận 400-500 triệu. Đây là chính sách rất vượt trội và nhân văn cho nhân sự phải nghỉ việc vì sáp nhập", ông Bảo nói.
Một trong những cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi tại quận 8 là bà Quách Thị Kim Phượng (57 tuổi) - bí thư Đảng ủy phường 9, quận 8 (nay sáp nhập thành phường Hưng Phú).
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Phượng cho biết theo lộ trình, đến tháng 7-2025, bà sẽ về hưu. Nhận thấy bản thân không còn đủ điều kiện để tham gia công tác, bà Phượng đã xin về hưu trước tuổi, góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy.
Bà cũng cho biết quận 8 rất quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho nhân sự bị tác động. Khi xét thấy bà đủ điều kiện để được xét nâng ngạch trước khi về hưu, UBND quận 8 đã đề xuất UBND TP.HCM nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính. Nhờ vậy chế độ khi về hưu của bà Phượng tăng lên. Theo tính toán các chính sách hỗ trợ, bà Phượng có thể nhận khoảng 300 triệu đồng tiền hỗ trợ.
Bố trí nhân sự từ sớm khi sáp nhập phường Khi TP.HCM có chủ trương sáp nhập các phường, quận Phú Nhuận đã có sự chuẩn bị từ sớm lộ trình bố trí nhân sự nên cơ bản khi các phường sáp nhập không có quá nhiều xáo trộn. Như tại phường 4, quận Phú Nhuận, đại diện UBND phường cho biết những năm gần đây, những vị trí không chủ chốt tại phường bị khuyết, phường không bố trí nhân sự mà đưa cán bộ không chuyên trách lên kiêm nhiệm. Do đó, khi phường 3 sáp nhập vào phường 4 thì bù vào những chỗ nhân sự bị khuyết. Số dôi dư còn lại sẽ luân chuyển sang các phường khác. "Hiện nay các chức danh cán bộ công chức sau khi sắp xếp là đủ, không dư không khuyết", người này nói. |
Tác giả: Thảo Lê
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ