Trong nước

Văn phòng Chính phủ - những tâm huyết và dấu ấn cải cách 2018

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018 đã ghi dấu ấn lớn của Văn phòng Chính phủ (VPCP) trong công tác cải cách hành chính, đóng góp quan trọng vào kết quả cải cách hành chính nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa VPCP với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. - Ảnh: VGP

Phát biểu tại một hội nghị vừa diễn ra tuần trước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: "Cải cách phải rất chuyên nghiệp, không tâm huyết, không đau đáu thì không làm được. Cải cách là phải cắt bỏ những gì liên quan đến quyền lợi, loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ những yếu tố mang tính tiêu cực và không thực chất".

Sự vào cuộc quyết liệt và hiệu quả của VPCP trong cải cách hành chính thể hiện trên nhiều mặt công tác, qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó trước hết phải kể đến hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP làm Tổ trưởng.

Tổ công tác của Thủ tướng và “sức ép” cần thiết

Sau hơn 2 năm được thành lập, từ tháng 8/2016 đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành khoảng 60 cuộc kiểm tra các Bộ, cơ quan, địa phương. Riêng trong năm 2018, tính đến cuối tháng 11, Tổ công tác đã tiến hành 20 cuộc kiểm tra.

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác đem lại hiệu quả rất cụ thể, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc thực hiện nhiệm vụ giao được thực hiện nghiêm túc và tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tính đến cuối tháng 11/2018, các bộ, cơ quan, địa phương đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 18.422 nhiệm vụ. Trong đó, có 9.880 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.325 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 217 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, chỉ chiếm 2,2%, giảm mạnh so với trước đây.

Đặc biệt, các cuộc kiểm tra chuyên đề của Tổ công tác về cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng, lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến các Bộ, cơ quan, địa phương.

Cho tới nay, Chính phủ đã ban hành và trình Quốc hội ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 108,1%, vượt 8,1% so với mục tiêu đề ra); Chính phủ, các bộ, cơ quan đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với mục tiêu đề ra).

Theo báo cáo từ các bộ, ngành với số liệu cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của 8 Bộ cho thấy đã giúp tiết kiệm gần 17,5 triệu ngày công/năm và 6.279,2 tỷ đồng mỗi năm.

Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Tổ công tác đã truyền tải sức ép hết sức cần thiết từ Chính phủ, Thủ tướng tới các Bộ, cơ quan, địa phương trong công cuộc cải cách. Mô hình Tổ công tác của Thủ tướng đã được xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia ghi nhận như một “điểm sáng” trong nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

Tham gia nhiều buổi kiểm tra của Tổ công tác, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhận định, đợt cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong nhiệm kỳ này dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong những đợt cải cách hành chính mạnh mẽ nhất trong gần 20 năm qua.

Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, cơ quan, địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quan đến cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Tổ công tác đã kiến nghị.

Lần đầu tiên chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được lượng hóa

Cũng trong năm 2018, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính lần đầu tiên được công bố, với những thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Báo cáo được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng là sáng kiến được Thủ tướng đánh giá rất cao.

Theo các chuyên gia, với Chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm 1 công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Báo cáo được công bố nên chưa thể hoàn toàn “tròn trịa” và những năm tới sẽ thực chất hơn. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất, công bố Báo cáo này để thấy việc cải cách không chỉ riêng của cơ quan nhà nước mà có sự tham gia của cả doanh nghiệp và người dân.

Các hoạt động khác của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng hết sức hiệu quả. Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng đã tổ chức 11 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới xuất nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng. - Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, các hội nghị đối thoại doanh nghiệp mà Hội đồng tiến hành là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong vướng mắc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động.

Những hội nghị đối thoại cùng với nhiều hoạt động nghiên cứu tập trung của Hội đồng được đánh giá là kênh thông tin quan trọng để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ.

Việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Năm 2018, kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đã tiếp nhận 8.217 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, trong đó theo phạm vi thẩm quyền đã xử lý và công khai trên Cổng TTĐT Chính phủ 841 phản ánh, kiến nghị. Như nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, có thể nói bức xúc của người dân ở chân trời, góc bể đều được hội tụ trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ.

Từ VPCP “phi giấy tờ” đến quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử

Với những nỗ lực của VPCP, năm 2018 cũng ghi dấu ấn mới về quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử .

Việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã diễn ra gần 20 năm và đã có những thành tựu ban đầu, nhưng mục tiêu đạt được còn rất hạn chế. Trong đó, khó khăn lớn nhất để xây dựng Chính phủ điện tử vẫn do tư tưởng, quyết tâm con người, đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ triển khai.

Xác định rõ khó khăn trên, VPCP khẳng định sẽ đi tiên phong và quyết liệt thực hiện theo đúng thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số: “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”. VPCP xác định, rào cản lớn nhất là rào cản tư duy về yêu cầu cần phải thay đổi cách làm cũ, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

VPCP hiện nay đang thực hiện mục tiêu "VPCP phi giấy tờ", toàn bộ sử dụng quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc trên nền điện tử. VPCP cũng sẽ là cơ quan gương mẫu đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, hướng tới Chính phủ phi giấy tờ. Cho tới nay, bản thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và lãnh đạo VPCP cũng thực hiện toàn bộ các thao tác xử lý văn bản trên môi trường mạng, thậm chí trên máy tính bảng khi đi công tác xa văn phòng. Việc “phi giấy tờ” giúp bảo đảm công việc thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng, đặc biệt bảo đảm kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc ở từng khâu, từng cá nhân tham gia xử lý.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, VPCP đã khẩn trương xây dựng Đề án e-Cabinnet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu là đến hết năm 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ; sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).

Các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các bộ, ngành, tập đoàn công nghệ thông tin cho rằng e-Cabinet là đề án có tính hiện thực cao, có ý nghĩa lớn và cần sớm triển khai sớm, bởi đây là bước đầu tiên quyết trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Các chuyên gia cũng đánh giá cao việc Văn phòng Chính phủ đang quyết tâm đi đầu thực hiện văn phòng không giấy tờ để lan tỏa đến các bộ, ngành, địa phương.

"Xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Đi sau nhưng phải đi nhanh, phải nhìn tổng thể, bắt đầu từ cái nhỏ nhất và kết quả phải mang tính bền vững", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu quan điểm.

Tác giả: Hà Chính

Nguồn tin: www.chinhphu.vn

  Từ khóa: Chính phủ ,văn phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP