Xã hội

Ước mơ của những người phụ nữ hồi sinh từ số phận nghiệt ngã trong ngày 8/3

Họ là những người phụ nữ khiếm khuyết về cơ thể, số phận bất hạnh nhưng lại có một bản lĩnh mạnh mẽ để sống cuộc sống bình thường giống bao người. Họ mong ước gì vào ngày 8/3?

Mong cho những người phụ nữ bệnh tật sẽ khỏe

Năm 2016, chị Nông Thị Bích Ngọc, 27 tuổi (Lạng Sơn) tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên. Ra trường, chị tràn đầy nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Ngọc Khát khao trở thành một bác sĩ đủ đức, đủ tài.

Ngày ấy, chị cảm thấy may mắn so với bạn bè cùng trang lứa mới ra trường khi đã thi tuyển và được vào làm hợp đồng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Đó là một môi trường mà chị muốn gắn bó. Ham học hỏi, hòa nhã, thân thiện nên chị được đồng nghiệp, bệnh nhân tin yêu.

Sóng gió ập đến vào ngày chị về chịu tang bà, đi qua đoạn đường đang làm, tầm nhìn bị che khuất, chị bị ngã khi đang điều khiến xe máy. Không may, đúng lúc đó có một chiếc xe ô tô phía sau đi lên chèn qua người chị. Ngọc phải cắt bỏ một chân sau lần gặp nạn.

Chị Nông Thị Bích Ngọc bảo, trên cương vị nhân viên nghành y, tôi sẽ mong ước ngày này các chị em phụ nữ ai bệnh nhẹ sẽ khỏi bệnh, ai bệnh nặng thì đỡ bệnh hơn để có 1 ngày 8/3 ấm áp và ý nghĩa. Ảnh: Ngọc Thi

Bản thân Ngọc biết, với một cô gái trẻ, vĩnh viễn mất đi một chân là mất mát quá lớn. Chị có hoài bão, ước mơ của riêng mình. Ngày chị nằm viện, người thân, bè bạn không kìm nổi những giọt nước mắt khi nghĩ về cuộc sống của cô gái trẻ.

Ngày hôm nay, hơn ai hết, chị hiểu chỉ có sống tốt, vui, khỏe thì người thân mới yên lòng. Chị Ngọc bảo, chính những tình cảm của bạn bè, người thân, cộng đồng dành cho chị đã khiến những đớn đau tan biến để trả lại một Bích Ngọc hồn nhiên, yêu đời như chưa từng có chuyện gì xảy.

Hiện, chị đang học lên cao để thực hiện ước mơ làm đúng nghề của mình.

Nói về ước mong của bản thân, chị bảo: “Cầu mong cho bố mẹ, những người thân yêu khỏe mạnh, họ đã vất vả nhiều vì mình. Còn trên cương vị nhân viên nghành y, tôi sẽ mong ước ngày này các chị em phụ nữ ai bệnh nhẹ sẽ khỏi bệnh. Ai bệnh nặng thì đỡ bệnh hơn để có 1 ngày 8/3 ấm áp và ý nghĩa”.

Ước mơ đoàn tụ cùng các con

Còn với chị Hoàng Thị Trang, 27 tuổi (Yên Bái) người phụ nữ bị chồng tẩm xăng đốt do mâu thuẫn. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, xinh đẹp, chị Trang như biến thành một người khác. Người mà 2 đứa trẻ khóc om sòm khi chị xưng là mẹ.

Vết thương về thể xác là một chuyện, đớn đau hơn là vết thương lòng. Sau này, nhiều đêm nằm ngủ, chị Trang vẫn thường bị ám ảnh bởi những lần đánh đập của người chồng với mình dù người đó đã mãi rời xa.

Chị Hoàng Thị Trang khát khao được đoàn tụ cùng các con (ảnh nhân vật cung cấp)

Dặn lòng biến những nỗi đau thành động lực, giờ đây, chị Trang là một người phụ nữ mạnh mẽ, ham học hỏi. Chị học cách bán hàng trên mạng để kiếm thêm thu nhập phụ giúp người mẹ già trang trải cuộc sống.

Chia sẻ về ngày lễ 8/3, chị Trang cho hay: “Mơ ước lớn nhất là 2 con mình khỏe, ngoan ngoãn. Từ ngày gặp nạn chưa có cơ hội gặp lại các con. Tết vừa rồi cũng không đón chúng được vì nhiều lí do. Tôi chỉ mong có ngày 3 mẹ con được đoàn tụ”.

Khát khao được sống

Với chị Nông Thị Hảo, 32 tuổi, (Lạng Sơn) mùng 8/3 năm nay vui lắm. Chị được bác sĩ cho về nhà. Điều đó, đồng nghĩa với việc chị được về gặp các con của mình sau những tháng ngày nằm viện.

“Không khỏe mạnh như người ta, tôi chỉ mong bản thân thật nhiều sức khỏe để đươc sống cùng chồng con. Tết vừa rồi, tôi không được về nhà vì phải ở viện điều trị”, chị Hảo nghẹn ngào.

Chắc nhiều người còn nhớ đến câu chuyện về bà mẹ trẻ Đậu Thị Huyền Trâm, 25 tuổi (Hà Tĩnh) mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4 đã di căn sang gan nhưng vẫn từ chối điều trị để giữ lại đứa con trong bụng khiến không ít người rơi nước mắt. Người phụ nữ nghị lực nhưng xấu số ấy chỉ kịp gặp mặt con một lần rồi mãi mãi rời xa.

Chị Hảo cũng vậy, khát khao làm mẹ khiến người mẹ trẻ 30 tuổi từ chối điều trị ung thư để có con trên đời. Mang bầu ở tháng thứ 7, tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi cả gia đình sẵn sàng chào đón con ra đời thì chị Hảo phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu.

Còn với chi Nông Thị Hảo, ước mong lớn nhất là được sống khỏe mạnh. Ảnh: Ngọc Thi

Đánh cược số phận, chị từ chối điều trị để giữ đứa con. Gắng gượng thêm 3 tuần, đến tuần thứ 30 sức khỏe chị quá yếu kèm theo cơn sốt nên các bác sỹ tiến hành mổ thai. Bé Dương Ngọc Lâm ra đời nặng 1,8 kg.

Vết thương sau ca mổ đẻ chưa lành, chị bước vào cuộc điều trị với căn bệnh quái ác. Bé Lâm được nuôi trong lồng kính tại bệnh viện Bạch Mai, còn chị điều trị tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương. Chị chỉ được nhìn mặt con qua bức ảnh chồng chụp từ điện thoại.

Hiện tại, con trai chị khỏe mạnh, được ông bà chăm sóc. Còn bản thân chị vẫn đối mặt với những cuộc điều trị chưa có hồi kết thúc.

Tác giả: Ngọc Thi

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP