Giáo dục

“Ước gì bố mẹ yêu con như yêu… phây búc”

Bố mẹ đi làm cả ngày, tối về bên con thì nào có thấy cảnh quây quần mà chỉ thấy cảnh bố ôm máy tính cày game, mẹ miệt mài lướt phây búc (Face book) trên điện thoại, thả con với ti vi chiếu hoạt hình suốt ngày…

Nhiều phụ huynh hay than thở sao con giờ ương bướng, khó bảo quá. Bố mẹ bảo ban gì cũng bỏ ngoài tai, sai con làm việc nhà thì réo như gọi đò năm lần bảy lượt con vẫn giả điếc. Chỉ đến khi bố mẹ quát mắng thì con mới chịu nhúc nhích, làm lấy lệ, làm chống đối. Không phải chỉ lứa tuổi thanh thiếu niên ẩm ương đâu, mà ngay cả những đứa trẻ mới 4-5 tuổi, những em học sinh cấp 1 cũng bướng bỉnh đến khó chịu. Nhiều bậc cha mẹ có chung câu cửa miệng “Chúng nó bây giờ sướng gấp 10 lần thời bố mẹ ngày xưa, cái gì cũng đầy đủ mà sao ý thức thì kém thế?”.

Chúng ta quen phán xét các con mà quên mất một điều: chính bố mẹ hiện nay cũng tiết kiệm chi li thời gian dành cho các con. Bố mẹ nào cũng nghĩ, mình mải mê đi làm kiếm về một đống tiền là để con cái ăn sung mặc sướng, được học hành đàng hoàng. Vậy mình có gì thiếu sót với con nữa, mình có để con thua kém bạn bè khoản gì đâu, từ phí ăn học tới sắm sửa máy tính, điện thoại xịn cho con?

Đúng là về phương tiện vật chất, các con bây giờ được cha mẹ đầu tư hết mình. Nhưng về đời sống tinh thần trong gia đình thì càng lúc càng nghèo nàn, rời rạc. Tôi từng nghe nhiều bà mẹ trăn trở rằng giờ con kiệm lời với cha mẹ quá. Chị hàng xóm cạnh nhà có con gái học lớp 12, chị bảo giờ sao bất lực với con quá. Tôi thắc mắc hay chị không dành thời gian nói chuyện với con, xem con có tâm tư uẩn khúc gì không thì chị bảo con đi học về chỉ biết chào bố mẹ rồi đi thẳng lên phòng riêng, bữa ăn cơm cũng phải gọi. Hỏi chuyện nhẹ nhàng rồi phân tích điều hay lẽ phải cho con thì con cứ lì mặt ra ngồi nghe, bố mẹ nổi đóa lên đánh con nó cũng không thèm đáp lời. Chị kể, nó thích thì nó nói mà nó nói với bố mẹ một ngày chỉ vài câu, còn đâu thu mình sống trong góc riêng của nó. Chị bảo con gái lớn lúc nào cũng hằm hè với bố mẹ, mình nhịn con đủ kiểu, khổ thế không biết! Tôi thì có thể hiểu phần nào câu chuyện khi cô bé này đam mê văn nghệ, có bạn trai nhưng bị bố mẹ cấm đoán, chửi rủa không tiếc lời nên cháu chán nản, sống tiêu cực và hay tỏ ý chống đối bố mẹ.



Trong các gia đình trẻ thì việc bố mẹ tiếc rẻ một bộ phim hay không thể ngừng theo dõi mạng xã hội mà lơ là, thờ ơ với con rất phổ biến. Bố mẹ đi làm cả ngày, tối về bên con thì nào có thấy cảnh quây quần mà chỉ thấy cảnh bố ôm máy tính cày game, mẹ miệt mài lướt phây búc trên điện thoại, thả con với ti vi chiếu hoạt hình suốt ngày. Con ốm đau hay chậm nói, lười ăn có thể thấy nhan nhản các dòng đăng trên mạng xã hội xin ý kiến tư vấn nhưng quay về đời thực thì nhiều bố mẹ bỏ bê con cho ông bà, người giúp việc hoặc để con ôm riết máy tính, ti vi khỏi quấy rầy.

Tôi tới nhà một người bạn, trong khi nói chuyện với tôi chị vẫn không ngừng truy cập mạng xã hội nên câu chuyện rất rời rạc. Con chị gặp bài tập khó, hỏi mẹ thì mẹ chối đây đẩy, bảo chờ cuối tuần tới hỏi cô giáo ở lớp học thêm, chị ấy trả lời rất hồn nhiên “Hỏi tao làm gì, tao không biết, mày cứ thế mà học đi”. Con chị buồn rầu nhìn mẹ nhưng mẹ nào có nhận ra tín hiệu gì trong ánh mắt của con đâu, chị vẫn đang cắm cúi vào điện thoại, tự cười một mình vì thứ gì hay ho trên mạng xã hội.

Con chị còn mè nheo thêm lúc nữa nhưng tuyệt nhiên không thấy mẹ phản ứng. Cháu hét lên tức tối “Mẹ chỉ suốt ngày phây búc thôi”.

Chính bản thân tôi cũng phải tự mình cai nghiện với công nghệ. Tôi có thể sử dụng máy tính rất nhiều trên cơ quan nhưng về nhà, thời gian dùng mạng chỉ những lúc con đi học. Buổi chiều khi các con từ trường về, cả nhà quây quần bữa cơm tối và tôi quy định không được xem ti vi trong bữa ăn. Các con chỉ được xem phim hoạt hình vào khung giờ nhất định. Buổi tối tôi dành rất nhiều thời gian cho con từ việc kèm học cho con lớn đến chơi đồ hàng, đọc sách kể chuyện cho con bé.

Tôi nhận ra một điều, các con rất thích bố mẹ dành thời gian học cùng, chơi cùng, trả lời rất nhiều câu hỏi tò mò thắc mắc của các con.

Tác giả bài viết: Thanh Mai (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP