Trong đám bạn bè chơi thân với nhau, tôi là đứa lấy chồng muộn nhất. Trước khi bước vào cuộc sống gia đình, bạn bè đã nhồi vào đầu tôi đủ thứ, nhiều nhất vẫn là những tuyệt chiêu đối phó với mẹ chồng. Chồng tôi là con trai một, tôi phải sống chung với bố mẹ chồng mà tôi thì không thích thế.
Tính tôi hậu đậu, ham chơi, chuyện bếp núc cũng chẳng thành thạo, lại thêm câu chuyện muôn thuở mẹ chồng-nàng dâu mà bạn bè trải qua khiến tôi ngán ngẩm. Nhưng tôi yêu anh nên chấp nhận bố mẹ anh như một phần cuộc sống của mình.
Dù vậy, trước khi cưới tôi cũng ra điều kiện với anh: “Em là em không giỏi chịu đựng như cái Nga đâu đấy, cho nên anh cư xử giữa mẹ và vợ sao cho công bằng, khách quan, nếu không là em đi ra khỏi cuộc đời anh luôn đấy”. “Mẹ chồng-nàng dâu thì cũng là người một nhà, anh nghĩ mỗi người cố một chút là được thôi mà”. Tôi biết anh chẳng mấy dễ chịu khi tôi chưa bước vào cửa phòng cưới đã nghĩ đến chuyện ra đi, nhưng vì yêu tôi nên anh an ủi vậy.
Tuần trăng mật vèo qua nhanh, tôi bước vào cuộc sống của một người vợ, người con dâu. Sáng đi làm, chiều về cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Rửa bát chưa xong đã có một chậu quần áo đợi sẵn. Chồng tôi mấy hôm đầu còn vò qua rồi tống vào máy giặt giúp vợ nhưng sau đó thì phó mặc.
Tất bật với công việc nhà khiến tôi nhiều khi không còn thời gian để thưởng thức những niềm vui thời son rỗi như nằm khểnh nghe nhạc, nhâm nhi cà phê với bạn bè. Các sản phẩm dưỡng da, mặt nạ thảo dược vẫn chất đầy trên bàn nhưng chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân. Mới lấy chồng mà tôi có cảm giác mình bận bịu như đang nuôi con mọn.
Hôm sau, đi làm về tôi thấy mẹ chồng đang ngồi gấp quần áo. Trong lòng mừng mừng vì được bà đỡ cho một việc nhưng rồi lại tắt lịm khi bị nhắc nhở: “Lần sau khăn mặt và khẩu trang thì con đừng cho vào máy giặt, vừa không sạch lại chóng hỏng. Mấy cái thứ này vò mấy phút là xong chứ có nặng nhọc gì đâu”. Tôi dạ dạ vâng vâng nhưng trong lòng bực bội. Không biết xả đi đâu, tôi lại trút lên chồng.
Càng ngày tôi càng thấy cuộc sống tù túng, gò bó nhưng nói chuyện dọn ra ngoài ở riêng với chồng không dễ. Và bố mẹ chồng tôi cũng chẳng bao giờ đồng ý. Tôi bắt đầu “ủ mưu”, có sự tham vấn của bạn bè. Nhưng chưa kịp thực hiện thì một buổi tối mẹ chồng gọi vợ chồng tôi vào nói chuyện.
Nhìn khuôn mặt nghiêm nghị của mẹ chồng tôi bắt đầu hoang mang. Lẽ nào bà biết được ý định trong đầu tôi? Ngồi trước mặt bố mẹ chồng, dù không khát nhưng tôi vẫn bưng cốc nước để lấy lại bình tĩnh và cố nghĩ ra những lời đối đáp nếu mẹ chồng truy tội.
Mẹ chồng nhìn vợ chồng tôi rồi từ tốn: “Ngay từ đầu, bố mẹ đã có ý định cho hai vợ chồng con ra ngoài ở riêng. Bố mẹ có tuổi rồi nên từ cách nghĩ đến thói quen sinh hoạt cũng khác với các con, ở chung nhà nhiều khi gây bất tiện cho nhau. Nhưng vì vướng nỗi cái nhà của nhà mình cho thuê chưa hết hợp đồng nên đành để các con phải chờ. Tháng sau họ dọn đi rồi. Vợ chồng trẻ cần không gian riêng nên trước mắt các con cứ dọn ra đó, lúc nào có con nhỏ muốn bố mẹ để bố mẹ đỡ đần cho thì cứ về. Ở đâu thì các con cũng là con cái trong nhà”.
Tôi sững người. Chồng tôi cũng thấy băn khoăn nhưng mẹ chồng tôi bảo đây là quyết định của họ nên muốn chúng tôi ủng hộ. Vợ chồng tôi không thể làm khác. Trong lòng tôi trào dâng cảm giác áy náy xen lẫn xấu hổ. Đợi bố chồng và chồng về phòng, tôi nán lại gặp riêng mẹ chồng.
Chưa kịp mở lời xin lỗi thì mẹ chồng tôi đã xoa dịu: “Con không phải lo lắng, bận tâm gì cả, bố mẹ vẫn đủ sức chăm sóc cho nhau, lúc nào già mới phiền đến các con. Mẹ con sống chung với nhau không tránh được những lúc va chạm. Nhưng mẹ có nhắc nhở, mắng mỏ thì cũng chỉ muốn tốt hơn cho các con. Bố mẹ nào mà chẳng mong cho con mình hạnh phúc”. Tôi nghẹn lời khi hiểu ra rằng tình thương của một người mẹ đâu phải chỉ nhìn là thấy!
Tác giả bài viết: Bùi Thu Hoàn