Ông Nguyễn Sỹ Hiển nhận xét: “Nếu không “kiểm duyệt” tốt trạng thái cảm xúc, các cầu thủ trẻ lại dễ bị sa đà vào trạng thái hưng phấn quá mức, làm hỏng ý đồ lâu dài của HLV. Tâm lý tự ti và tự tin thái quá đều có tác hại như nhau. Nhất là khi đội U.20 Việt Nam cũng chưa phải là đội bóng hoàn hảo về một số mặt thuộc về chuyên môn.
Chắc anh Tuấn cũng không tự ái nếu đội bị chê điểm này, điểm kia. Kể cả tôi nói phải nói một cách thẳng thắn là thể lực đội mới chỉ tốt được 70 phút đầu thôi, 20 phút cuối đã cho thấy dấu hiệu bị yếu sức. Mà New Zealand lại không phải đội mạnh. Họ khá vụng về trong dứt điểm nên đã không thể lợi dụng sự đuối sức này của đối phương mà tạo thành bàn thắng”.
Có lẽ không phải ông Nguyễn Sỹ Hiển là người duy nhất khuyên đội U.20 Việt Nam trở lại lối đá quen thuộc phòng ngự phản công. Chúng tôi đã đọc ý kiến của một số chuyên gia bóng đá khác, và họ đều chia sẻ sự lo lắng nếu U.20 Việt Nam chơi phủ đầu.
Ông Hiển nói: “Nhưng mà có muốn chơi phủ đầu cũng khó đấy. U.20 Pháp thật sự rất toàn diện. Họ cao to như cầu thủ New Zealand nhưng kỹ, chiến thuật tốt hơn rất nhiều lần. Tôi cho rằng, sẽ sai lầm nếu Việt Nam chơi ăn thua ngay từ đầu. Với một đối thủ rất đẳng cấp như Pháp, nếu ta cứ đặt ta ở thế ngang bằng với họ là chuốc lấy thất bại nặng nề ngay. Dẫu gì đi chăng nữa, nếu đặt hai đội lên bàn cân, Pháp vẫn “nặng” hơn, chất lượng hơn. Nếu không muốn nói là có độ vênh lớn giữa đôi bên.
Vì thế, Việt Nam nên tập trung phòng ngự. Phòng ngự từ giữa sân và phòng ngự ở những khu vực trọng điểm. Cố gắng kèm người thật chắc, bọc lót thật an toàn. Dĩ nhiên, nói thì rất dễ, làm mới khó. Bởi vậy càng đòi hỏi, HLV Hoàng Anh Tuấn phải đả thông tư tưởng cầu thủ thật tốt. Không khiến họ sợ hãi đến mức rúm ró cả người, nhưng cũng không khiến họ vì những lời khen mà quên mất mình đang là ai. Cân bằng tốt tâm lý sẽ giúp U.20 Việt Nam thực thi tốt ý đồ của HLV trưởng".
Ông Hiển nhấn mạnh: "Chúng ta nên phòng ngự có chiều sâu (ở trận trước, sự lăn xả quyết liệt là điều đáng khen của hàng thủ Việt Nam. Nếu không muốn nói khâu phòng ngự đã tạo nên tính ưu việt cho Việt Nam). Trận này còn phải tốt hơn thế, an toàn hơn thế. Phải đặc biệt lưu ý khu vực trung lộ vì các cầu thủ Pháp sút xa rất tốt. Khu vực sau lưng tiền vệ và trước mặt hai trung vệ phải được “bảo quản” chặt, không để đối phương lỏng chân. Tôi xem trận đấu của Pháp mà thấy thật sự ngưỡng mộ. Họ khéo, nhanh, mạnh, đồng đều. Việt Nam nếu không thận trọng sẽ dễ bị rơi vào bẫy, bị nghiến sức ngay từ đầu và nhanh chóng bị phá vỡ toàn bộ lối chơi”.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển bình luận tiếp: “Pháp quá mạnh nên khi mất bóng, Việt Nam nên co về nửa sân. Cứ sau mỗi đợt phản công là nên rút về ngay, phòng ngự 2/3 sân. Tổ chức phòng thủ. Đừng để thua quá sớm. Thua sớm là vỡ. Nếu Việt Nam đá theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”, có thể dẫn đến một số nguy hại. Bị thủng lưới nhiều bàn, không duy trì được thể lực đến hết trận mà có khi còn không bảo toàn được lực lượng. Theo tôi, nên kiên trì lối chơi phòng ngự phản công. Hòa Pháp hoặc thua chỉ một bàn là đạt yêu cầu. Cần phải tính đến cả trận cuối của vòng bảng gặp U.20 Honduras. Đừng để thua quá nhiều bởi điều lệ cho phép, 4 đội thứ 3 xuất sắc nhất ở vòng bảng được đi tiếp.
Cuộc chơi bóng đá trẻ ở tầm thế giới, cũng khốc liệt lắm đấy. Không chỉ trên mặt sân mà còn trong tính toán của mỗi nhà cầm quân. Bản lĩnh cầu thủ và bản lĩnh HLV là lúc này đây”, ông Hiển kết luận.
Nguồn tin: Báo VietNamNet