Mới đây, Công ty TNHH Srisawad Corporation cho biết sẵn sàng chi hơn 523 tỷ đồng để mua lại Công ty cho thuê tài chính Nông nghiệp I (ALC 1) của ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), đang lên kế hoạch tái cấu trúc với khoản âm vốn chủ sở hữu lên đến 437 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2017).
Kế hoạch của Srisawad Corporation (SAWAD) là trả cho Agribank 523 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng cho vốn điều lệ, phần còn lại là nợ gốc đã vay. Tuy nhiên, số tiền này có thể thay đổi khi hai bên xác nhận số liệu cuối cùng để ký hợp đồng chính thức. Công ty Thái sẽ kế thừa toàn bộ công nợ tại thời điểm ký biên bản ghi nhớ.
Doanh nghiệp Thái Lan cho hay đã liên hệ và đàm phán với Agribank từ giữa năm 2016. Hai bên thuê đơn vị thẩm định tài sản và ký biên bản ghi nhớ. Agribank sau đó trình Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9/2018.
Chân dung tỷ phú Thái muốn cho người dân Việt vay tiền |
Tuy nhiên, đề án này vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và người Thái bắt đầu sốt ruột, gửi văn bản kiến nghị xúc tiến quá trình mua lại ALC I vào cuối tháng 12.
Nguyên nhân được công ty Thái dẫn lại là vì chưa đáp ứng điều kiện tổng tài sản của năm liền kề trước đó là 10 tỷ USD để được cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Trong văn bản, SAWAD đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tham gia tái cơ cấu công ty con Agribank, đồng thời cũng đề xuất chuyển đổi mô hình từ công ty cho thuê tài chính sang công ty tài chính cho vay tiêu dùng để “doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn”.
Trước đây cũng đã có làn sóng mua lại các công ty cho thuê tài chính, hoặc công ty tài chính thuộc tập đoàn nhà nước. Chẳng hạn như VPBank mua lại công ty tài chính Than Khoáng sản, Techcombank chọn công ty tài chính Hóa chất hay Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính Dệt may.
Đây không chỉ là phương pháp tái cấu trúc các công ty tài chính kinh doanh không hiệu quả, mà còn là quy định bắt buộc với các ngân hàng nếu muốn cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ.
Không chỉ có tỷ phú Thái, từng có nhiều thương vụ nhắm đến công ty tài chính Việt. Chẳng hạn như Shinsei (Nhật Bản) nhảy vào MCredit của Ngân hàng Quân Đội, Shinhan Bank (Hàn Quốc) mua lại công ty tài chính Prudential Việt Nam.
Tập đoàn Thái muốn gia nhập thị trường Việt cũng là một “tay chơi” lớn. Bộ ba Srisawad, Muangthai Capital và Group Lease là địa chỉ được phần lớn người tiêu dùng Thái Lan chọn khi bị ngân hàng từ chối cho vay.
Tại thị trường Thái Lan, SAWAD cho vay tiêu dùng cá nhân, bao gồm các khoản vay thế chấp (tài sản là nhà đất, xe cộ), các khoản vay tín chấp và các hoạt động quản lý nợ khác. SAWAD cũng là cho vay lớn nhất về xe máy và ô tô (khoảng 40% danh mục cho vay mua ô tô) với khoảng gần 2.500 chi nhánh và hiện đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ.
Một chi nhánh SAWAD tại Thái Lan. |
Chủ sở hữu của công ty này là gia tộc Kaewbootta, được cho là nắm giữ gần 47% cổ phần. Hiện Chatchai Kaewbootta, giữ chức vụ Tổng Giám đốc, nằm trong top 50 tỷ phú người Thái với giá trị tài sản ròng lên đến 1,1 tỷ USD, theo thống kê của Forbes.
Trên thực tế, SAWAD đang nhắm tới thị trường các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).
Tại Việt Nam, SAWAD đã thành lập công ty con vào năm 2015, với vốn điều lệ khoảng 200 triệu Baht, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, tập đoàn đăng ký văn phòng chính lại ở thành phố Vinh. SAWAD Việt Nam có 7 chi nhánh, ngoài thành phố Vinh còn có 2 chi nhánh ở Cần Thơ, 3 ở TP.HCM và 1 ở Bình Dương.
Trên website, SAWAD Việt Nam được quảng cáo theo mô hình tiệm cầm đồ, cho vay và trả góp, tập trung vào sản phẩm chủ lực là xe máy, xe ô tô. Trong báo cáo thường niên năm 2017, tập đoàn Thái Lan cho biết đã bắt đầu cho vay các khoản vay thế chấp tại thị trường Việt Nam.
Cho vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe, đồ gia dụng hay khoản vay tiền mặt) tại Việt Nam đang bùng nổ. Theo StoxPlus, có khoảng 48% dân số thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.
Ước tính của Stoxplus, thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam có giá trị khoảng 48,5 tỷ USD, loại trừ các khoản vay mua nhà có giá trị lớn, thì gần 5 tỷ USD (tương đương 90.000 tỷ đồng) đang được người dân vay để tiêu dùng.
Tuy bùng nổ mạnh nhưng gần đây hoạt động cho vay tiêu dùng cũng bị “tuýt còi” vì phương thức đòi nợ không phù hợp ở nhiều tổ chức tín dụng hay các đối tác đòi nợ. Khá nhiều hình thức cho vay “nóng” chưa đầy đủ quy định pháp lý xuất hiện như cho vay ngang hàng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng,... cũng dễ trở thành tín dụng đen nếu không kịp thời quản lý.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: Báo VietNamNet