Theo “Báo cáo triển vọng 2017” vừa được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố, mặc dù có những biến động nhất định vào từng thời điểm nhưng nhìn chung 2016 được ghi nhận là một năm khá ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Trong khoảng 9 tháng đầu năm, tỷ giá bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) ít biến động và phổ biến vào khoảng 22.330 - 22.350 VND/USD.
Bước sang quý IV, đặc biệt là từ tháng 11, với áp lực từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với phần thắng thuộc về ứng viên Donald Trump, FED tăng lãi suất trong tháng 12 và đi kèm lộ trình tăng lãi suất mạnh hơn trong năm 2017, dẫn tới giá USD tăng trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, yếu tố mùa vụ thanh toán, tỷ giá tại hệ thống ngân hàng thương mại liên tục tăng và đến cuối tháng 12 phổ biến ở mức 22.790 - 22.800 VND/USD, tăng khoảng 1,1% so với cuối năm 2015.
Như vậy, thay vì đưa ra cam kết rõ ràng về việc giữ ổn định tỷ giá như các năm trước, cơ chế điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt đã được áp dụng. Theo đó, trước khi có diễn biến nóng lên của tỷ giá trong hệ thống NHTM, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá tham chiếu trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng dần, đến cuối tháng 12 được niêm yết ở mức 22.155 VND/USD, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2015. Diễn biến này có thể được nhìn nhận như việc điều chỉnh có tính linh hoạt từ phía cơ quan điều hành để định hướng và đón đầu thị trường trước những áp lực khá lớn lên tỷ giá và thị trường ngoại hối dự kiến sẽ xảy ra vào dịp cuối năm như kể trên.
Theo VCBS, nguồn cung ngoại tệ dư thừa và dồi dào trong năm 2016 được đánh giá là yếu tố chính và hàng đầu hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cụ thể, thặng dư thương mại 11 tháng ước đạt 2,98 tỷ USD; vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng, đạt 14,3 tỷ USD (+8,3%); dòng ngoại tệ từ những thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bồi thường môi trường và dòng vốn tìm đến Việt Nam như một điểm sáng để đầu tư và tìm kiếm cơ hội với lợi thế về sự ổn định chính trị và kinh tế trong khi nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực Châu Á, duy trì chính sách nới lỏng.
Năm 2017 thế nào?
"Trong năm 2017, VCBS nhìn nhận áp lực từ phía bên ngoài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối với tâm điểm là đồng USD mạnh lên đi cùng sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED. Cùng với đó là sức ép giảm giá mạnh của nhiều đồng tiền trong khu vực", bản báo cáo nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, năm 2017 sẽ là năm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tại những Tổng công ty lớn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Diễn biến này hứa hẹn sẽ đem lại nguồn cung ngoại tệ lớn cho Việt Nam trong thời gian tới.
Trong năm 2017, mặc dù tiếp tục chịu nhiều áp lực từ phía thế giới nhưng nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng ở mức dồi dào sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng. Theo đó, VCBS dự báo mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2% - 4%.
Tác giả bài viết: An Hạ
Nguồn tin: