Báo chí Trung Quốc đăng tải thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Thường Vạn Toàn, hôm 2/8 nói trong chuyến thăm đến tỉnh Chiết Giang, kêu gọi quân đội, cảnh sát và người dân nước này nên chuẩn bị “chiến tranh nhân dân trên biển”.
Trả lời câu hỏi của báo chí trong nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh rằng, người Việt Nam luôn muốn giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 xung quanh vấn đề này.
- Trung Quốc đang gia tăng hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Ông có bình luận như thế nào về một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển” nói trên?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Những ngày qua, tôi đã đọc được thông tin về câu nói của ông Thường Vạn Toàn. Cá nhân tôi thấy rằng, bản chất bành trướng của Trung Quốc không thay đổi và luôn mang tính răn đe. Ngoài trang bị vũ khí, họ còn khiến người khác nhìn nhận một sự việc, một hành động qua nhiều góc độ khác nhau như để gia tăng uy lực.
Đó là cách thức hành động khiến những người yếu bóng vía phải im lặng, nghe theo hoặc khuất phục. Mỗi khi có tình hình gì căng thẳng, thế giới lên án nhiều thì Trung Quốc lại càng gia tăng hành động và cả lời nói, thể hiện Trung Quốc nói là làm.
Nhưng trên thực tế, phát động một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển hay trên Biển Đông là điều không dễ dàng. Bởi vấn đề này liên quan đến khu vực, các nước ASEAN và thế giới. Còn nhiều nước khác có quyền lợi ở Biển Đông chứ không riêng ASEAN. Động vào Biển Đông là động vào một khối vững mạnh, không đơn giản. Cả một khối các nước ASEAN đều có những hiệp ước ký kết rõ ràng và luôn nghiêm túc thực hiện những cam kết đó.
Những tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Động đến Biển Đông không những là vấn đề kinh tế mà còn vấn đề chính trị. Bởi vậy, bất cứ nước nào gây chiến trên Biển Đông, hậu quả cũng sẽ khôn lường.
- Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích, nguyện vọng của các nước trong khu vực và trên thế giới, Trung Quốc dường như đang đi ngược lại lợi ích đó. Trong trường hợp này, Việt Nam nên làm gì, thưa ông?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Việt Nam đã từng trải qua những cuộc chiến tranh rất khốc liệt, tổn thất vô cùng lớn. Do vậy, người Việt Nam luôn muốn gìn giữ hòa bình.
Nhưng muốn hòa bình không đồng nghĩa với việc chúng ta im lặng để người khác muốn làm gì thì làm, cũng như lời nói của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây mà tôi rất tâm đắc: “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Muốn giữ được hòa bình có nhiều cách, bằng sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, sức mạnh ngoại giao, sự đoàn kết của dân tộc.
- Người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng rất quyết liệt mỗi khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đó là truyền thống của dân tộc Việt Nam từ thuở dựng nước và giữ nước. Bác Hồ từng dạy: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của dân tộc thì dù là người già hay trẻ nhỏ, bằng mọi cách sẽ đứng lên chống xâm lược. Chúng ta chống lại kẻ thù xâm lược bằng sức mạnh và trí tuệ của chính chúng ta. Chúng ta vẫn luôn duy trì tinh thần này, đó là điều bất di bất diệt.
Trong thời đại hòa bình, suy nghĩ của mỗi người mỗi khác. Nhưng một khi đất nước bị xâm phạm chủ quyền thì muôn lòng như một, hơn 90 triệu trái tim Việt Nam đều hướng về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, gìn giữ hòa bình là điều được bảo toàn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Dương Thu (thực hiện)