Vóc dáng thay đổi và hội chứng tiền mãn kinh
Lượng mỡ trong cơ thể thiếu nữ tuổi dậy thì chỉ chiếm có 10% thể trọng, nhưng ở ngoài tuổi 40, lượng mỡ tích tụ nhiều, chiếm đến trên 20%, hơn nữa phần lớn tích tụ ở vùng bụng, thắt lưng và ở đoạn trên của tay chân, do đó phụ nữ tuổi trung niên dễ thấy rõ thể hình không còn thon thả cân đối như trước nữa. Ở lứa tuổi này, buồng trứng bắt đầu suy thoái, mức estrogen trong cơ thể hạ thấp và dần bị thiếu hụt estrogen. Vùng chịu tác động đầu tiên là khung chậu vì thế trong giai đoạn này người phụ nữ dễ mắc phải các chứng sa sinh dục, ngứa âm hộ, âm đạo khô, giao hợp rát... thiếu estrogen còn sinh ra ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh, tuyến nội tiết... sinh ra chứng mất ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, lo âu,... đó đều là những biểu hiện của hội chứng thời kỳ tiền mãn kinh.
Ở tuổi trung niên, bệnh tim mạch là nỗi lo của nhiều chị em.
Bệnh tim mạch
Ở độ tuổi sinh đẻ, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Khi ngoài tuổi 40 (đến tuổi tiền mãn kinh), lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn tiến triển các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...). Ngoài sự thay đổi nội tiết, nguyên nhân khiến phụ nữ ở độ tuổi này mắc bệnh tim mạch nhiều hơn so với các độ tuổi khác và nhiều hơn nam giới là do tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường týp 2 cao hơn, hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn, có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với nam. Hệ thống tim mạch ở phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại.
Bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành ở phụ nữ diễn biến phức tạp hơn nên vấn đề phòng bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh này là quan trọng hàng đầu.
Phụ nữ sau tuổi 40, khả năng điều chỉnh có tính phản xạ của cơ thể đối với huyết áp suy giảm. Cũng chính vì thế mà dễ xuất hiện các bệnh tăng huyết áp, bệnh huyết áp thấp có tính thể vị ở thời kỳ này. Sau khi quỳ hoặc ngồi xổm lâu đột xuất đứng lên có thể xuất hiện một số hiện tượng như choáng váng, chóng mặt, mắt trở nên tối sầm lại, thậm chí có trường hợp bị chập choạng rồi ngã lăn ra. Những phụ nữ lao động thể lực quá nặng hoặc tinh thần căng thẳng quá độ, dễ có khả năng xuất hiện tim đập thất thường, những nguyên nhân quan trọng phát sinh đột tử ở phụ nữ tuổi trung niên cần phải hết sức cảnh giác.
Bệnh xương khớp
Sau tuổi 40, hiện tượng đau lưng, vùng thắt lưng đã bắt đầu xuất hiện và ngày một rõ rệt. Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ sau tuổi 35, sức mạnh cơ bắp cứ 10 năm lại suy giảm 10 - 20%, thường xuất hiện các cảm giác khó chịu ở các khớp, đồng thời dễ phát sinh những biến đổi có tính suy thoái như loãng xương, có bệnh ở cột sống cổ.
Loãng xương là căn bệnh không gây chết người nhưng là mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Càng nhiều tuổi, mật độ xương càng giảm và loãng dần, đặc biệt là những người nhỏ bé, người tiền căn gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân, bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid... cũng dễ bị loãng xương.
Nguy cơ ung thư tử cung và ung thư vú
Phụ nữ tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Các yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do sau 35 tuổi, nội tiết tố sinh dục, nang noãn của phụ nữ giảm, sức đề kháng kém nên rất dễ viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung kéo dài (nhất là nhiễm siêu vi Herpé simplex II...), virut HPV... là một nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Ung thư vú là nỗi ám ảnh của phụ nữ, căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Phụ nữ tuổi 40 có khoảng 18% được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Gia đình có người từng bị ung thư vú, nguy cơ tăng gấp 3-5 lần; ngoài ra còn do béo phì, không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, hoặc có con đầu lòng quá muộn, do dậy thì sớm và mãn kinh muộn... Do vậy, nên tự khám vú xem có bất thường, đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần. Khi nhận thấy các triệu chứng như: sự thay đổi kích thước và hình dạng của vú, xuất hiện những khối u hay sưng tấy ở nách, chảy máu ở núm vú hay đau ngực... hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để kiểm tra và điều trị sớm.
Ðề phòng bệnh về tiêu hóa và chuyển hóa
Rất nhiều phụ nữ tuổi trung niên đều có thắc mắc: không ăn nhiều mà vẫn béo. Đó là do khi bước vào tuổi trung niên, hệ số tiêu hóa và chuyển hóa chất hạ thấp rõ rệt, lượng phân tiết của dịch vị dần dần ít đi, yêu cầu của thức ăn cũng ít hơn so với thời kỳ thanh niên, đồng thời khả năng tiêu hóa hạ thấp. Ngoài ra, do chức năng chuyển hóa chất hạ thấp, sự tiết ra insulin cũng ít đi, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng tăng cao rõ rệt. Vì thế, phụ nữ ngoài tuổi 40 cần chú ý phòng bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh ở lứa tuổi này, phụ nữ cần lưu ý chế độ ăn uống khoa học: không quá 5-6g muối/ngày, tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic, canxi, hạn chế đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla...Luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không uống rượu bia, hút thuốc lá, tăng cường rèn luyện thể dục thể thao. Luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucoza máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép; giảm căng thẳng thần kinh, kiểm soát tốt strees để phòng bệnh. Nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đi khám bệnh ngay để điều trị sớm.
Tác giả bài viết: BS. CHÂU THANH TÚ
Nguồn tin: