Kinh tế

Từ khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, Ngân hàng SCB đã đóng cửa bao nhiêu phòng giao dịch?

Riêng hai ngày 15 và 18/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo chấm dứt hoạt động của 9 phòng giao dịch.

Theo công bố trên website của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ngày 18/7, SCB chấm dứt hoạt động của 5 phòng giao dịch. Các phòng giao dịch này có địa chỉ tại TP Hải Phòng, TP HCM và tỉnh Đồng Nai.

Trước đó 3 ngày, ngày 15/7, Ngân hàng SCB thông báo chấm dứt hoạt động của 3 phòng giao dịch tại TP HCM và tỉnh Bình Định. Tại mục Tin tức của website ngân hàng còn rất nhiều tin bố cáo việc chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch thuộc Ngân hàng SCB.

Theo thống kê của VietNamNet, SCB đã đóng cửa 91 phòng giao dịch trên cả nước kể từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát.

Trong đó, số lượng phòng giao dịch bị tuyên bố đóng cửa trong năm 2023 là 47. Và 7 tháng đầu năm 2024 đã có thêm 44 phòng giao dịch của SCB phải chấm dứt hoạt động.

Đỉnh điểm là tháng 6/2024, có tới 16 phòng giao dịch của SCB dừng hoạt động. Tiếp đến là các tháng 10 và 12/2023, mỗi tháng có tới 14 phòng giao dịch phải đóng cửa.

SCB đã đóng cửa 91 phòng giao dịch trên cả nước kể từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt. Ảnh minh hoạ.

Bà Trương Mỹ Lan và một số lãnh đạo liên quan bị khởi tố từ tháng 10/2022. Ngày 5/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này.

"Để ổn định hoạt động của Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo đó, hoạt động của Ngân hàng SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

Từ tháng 6/2023 đến nay, ngân hàng này bắt đầu thực hiện việc chấm dứt hoạt động một loạt các điểm giao dịch.

Tòa nhận định: Bà Trương Mỹ Lan là chủ và có quyền điều hành cao nhất SCB

Tháng 4/2024, Tòa án nhân dân TP HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Hội đồng xét xử xác định, Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỷ đồng, tuy nhiên bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả nên chỉ còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.

Tòa nhận định, thực chất bị cáo Lan là chủ SCB, có quyền điều hành cao nhất tại SCB. Bị cáo Lan không chỉ chi phối về tài chính mà còn chi phối cả nhân sự của SCB.

Dù không quản lý điều hành trực tiếp nhưng bị cáo Lan có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB.

Từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB. Ảnh minh hoạ.

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hóa đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB.

Về thiệt hại của vụ án, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.

Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Tác giả: Dy Khoa

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP