Yêu cầu này được Bộ Y tế đưa ra do dịch Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp trở lại khi ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, cụ thể là bệnh nhân 416 tại Đà Nẵng.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở bán lẻ thuốc phải ghi lại thông tin cá nhân gồm họ tên, địa chỉ, điện thoại của người mua thuốc ho, sốt, cảm cúm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố cần thông tin đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24h để tiếp nhận thông tin của các cơ sở bán lẻ thuốc về các trường hợp trên.
Người dân mua thuốc cúm, ho, sốt sẽ phải khai báo thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại để cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy dấu khi phát hiện các ca mắc, nghi mắc Covid-19. Ảnh: T.Hanh |
Các địa phương vận hành hướng dẫn các ứng dụng khai báo y tế để tiếp nhận các thông tin liên quan tới các ca nghi nhiễm để có các biện pháp cách ly phù hợp.
Bộ cũng khuyến cáo tất cả người dân cài đặt các ứng dụng khai báo y tế và thông báo cho cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn để theo dõi, quản lý các trường hợp mắc Covid-19.
Với các cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời khoanh vùng, cách ly, điều trị, giảm lây nhiễm trong cộng đồng.
Các phòng khám tư nhân, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên tăng cường biện pháp sàng lọc, chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt, bố trí phòng khám riêng, có sổ theo dõi thông tin cá nhân để phát hiện sớm các ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19.
Tác giả: Thúy Hạnh