Pháp luật

Trương Xuân Đước khai coi ông Đỗ Hữu Ca như người thân, 4 lần đưa 35 tỷ để "anh xử lý công việc"

"Ông trùm" mua bán hóa đơn trái phép Trương Xuân Đước khai coi ông Đỗ Hữu Ca như "người thân trong gia đình" suốt 19 năm qua.

Lời khai của "ông trùm" mua bán hóa đơn trái phép

Ngày 10/4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến cựu thiếu tướng Đỗ Hữu Ca.

Trong phiên xét xử buổi sáng, VKSND tỉnh Quảng Ninh đọc bản cáo trạng và nêu tội danh của từng bị cáo. Sau khi được hỏi, toàn bộ các bị cáo đều đồng ý với bản cáo trạng và tội danh.

Bị cáo Đỗ Hữu Ca trong phần thẩm tra lý lịch. Ảnh: NLĐ

Chiều 10/4, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi. Vợ chồng "ông trùm" mua bán hóa đơn trái phép Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh, được HĐXX yêu cầu lên xét hỏi về tội danh Đưa hối lộ.

Khi được hỏi về các công ty "ma" đã thành lập để mua, bán hoá đơn, bị cáo Trương Xuân Đước ((SN 1971, trú phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng, quản lý, điều hành Công ty CP Khánh Dung hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng) cho biết chỉ nhớ tên doanh nghiệp thành lập đầu tiên) còn những công ty khác sau này, bị cáo không nhớ nổi tên.

"Tổng cộng có 26 công ty được thành lập nhưng bị cáo chỉ nhớ tên Công ty CP Khánh Dung, tên các công ty còn lại không nhớ", Vietnamnet dẫn lời bị cáo Trương Xuân Đước nói tại phiên tòa.

Khi tòa hỏi về các hành vi buôn bán hóa đơn thu lợi bao nhiêu, bị cáo Đước trả lời không nhớ. Bị cáo này chỉ nói số tiền thu lợi từ việc làm phi pháp trên đã dùng chủ yếu để mua đất đai. Khi bị bắt, bị cáo đã chủ động khắc phục 1,7 tỷ đồng.

Trước câu hỏi về quan hệ với cựu giám đốc Công an Hải Phòng, báo Dân Trí cho biết "ông trùm" mua bán hóa đơn trái phép Trương Xuân Đước khai có quan hệ thân quen "như em" với bị cáo Đỗ Hữu Ca khoảng 19 năm; công việc gì nhà ông Ca, vợ chồng Đước đều có mặt.

"19 năm qua công việc nhà anh Ca tôi đều có mặt. Không ngờ sau 19 năm trời mà hôm nay anh em tôi phải đứng trước tòa, tôi vô cùng buồn, buồn lắm. Tôi vào tù vì mua bán hóa đơn dẫn đến anh Ca bị theo, tôi sống không được chết không xong", báo Tuổi Trẻ thuật lời bị cáo Đước.

Trương Xuân Đước và vợ tại tòa. Ảnh: TPO

Cũng theo nguồn trên, ông Đước khai: "Tôi chỉ nhớ có 4 lần đưa tổng 35 tỷ, mục đích nhờ anh Ca lo xử lý công việc để tôi không bị dính vào pháp luật".

Về phần bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ bị cáo Đước), khi được chủ tọa phiên tòa hỏi thì không trả lời gì ngoài việc nói "rất hối hận" và "cảm thấy ăn năn". Bị cáo Ngọc Anh cũng khai có 4 lần đến nhà đưa tiền cho ông Ca với số tiền 35 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cáo trạng mà VKS đọc tại phiên tòa nêu: Sau khi chồng bị bắt, Ngọc Anh đến nhà gặp ông Ca hỏi về việc đã lo chạy tội rồi mà chồng mình vẫn bị bắt và xin lại số tiền 35 tỷ đồng nhưng ông Ca không trả lại tiền. Ông Ca còn mắng và đuổi Ngọc Anh về.

Trương Xuân Đước điều hành 26 công ty, mua bán hơn hàng chục nghìn hóa đơn

Theo nội dung cáo trạng VKSND tỉnh Quảng Ninh công bố, từ năm 2007, Trương Xuân Đước cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành Công ty CP Khánh Dung làm đầu mối, tổ chức hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT.

Từ năm 2014 đến năm 2021, vợ chồng Đước sử dụng căn cước công dân của mình và chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người thân quen để thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty “ma” mua bán trái phép hóa đơn GTGT.

Đối với hóa đơn đầu vào, căn cứ vào lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra, hàng tháng Đước mua hóa đơn của Bùi Huy Hợp (SN 1972, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác với giá từ 5 – 6 % giá trị hàng hoá, dịch vụ ghi trên hoá đơn để sử dụng kê khai báo cáo thuế.

Năm 2018, Bùi Huy Hợp bị Công an TP Hải Phòng bắt, để tránh bị phát hiện, vợ chồng Đước đã hạn chế mua hóa đơn mà thành lập 11 công ty làm nguồn vào. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, vợ chồngTrương Xuân Đước đã mua bán 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41,21 tỷ đồng.

Vào tháng 10/2022, Trương Văn Nam (cháu Đước) bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Vụ việc được điều tra mở rộng. Đước bỏ trốn và bảo vợ đến gặp Đỗ Hữu Ca (lúc đó đã nghỉ hưu, ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) để nhờ vả, được ông Ca yêu cầu chuẩn bị số tiền bằng 10% doanh thu bán ra hóa đơn trái phép (tương đương 20 tỷ đồng) và một số tiền “tiêu cực phí” để lo chạy tội.

Ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, sau đó Ngọc Anh đến nhà ông Ca để hỏi và xin lại số tiền 35 tỷ đồng đã đưa nhưng bị ông Ca đuổi về. Ngày 7/2/2023, Ngọc Anh cũng bị bắt giữ.

Tiếp đó đến ngày 18/2/2023, ông Đỗ Hữu Ca bị cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong vụ án này, Viện KSND truy tố ông Ca cùng 12 bị cáo khác với 5 nhóm tội danh gồm: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".

Tổng hợp

Tác giả: Chi Chi TH

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP