Dù mang tên “khu vực phi quân sự” (DMZ), dải đất có chiều dài 4 km ngăn cách hai miền Triều Tiên lại là vùng quân sự hóa mạnh nhất thế giới. Quân đội hai nước xây công sự bê tông ngầm, rải mìn, dựng hàng rào thép gai, những hàng bê tông chống tăng trong DMZ.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton mệnh danh DMZ là “nơi đáng sợ nhất trên trái đất”. Văn bản đình chiến mà hai miền Triều Tiên ký năm 1953 ở Bàn Môn Điếm đã kết thúc cuộc chiến, nhưng về mặt lý thuyết, hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh do họ chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình.
Đối với cô bé Hàn Quốc Lee Su Jin, việc đi lại hàng ngày trong khu vực nguy hiểm này đã trở thành thói quen. Trường học của cô bé 11 tuổi nằm trong khu phi quân sự DMZ của Hàn Quốc. Lee là một trong số 25 học sinh đi xe buýt từ thị trấn gần đó đến trường tiểu học Daesungdong, nằm trong làng Taesung, khu định cư ở phía nam DMZ.
"Mọi người đang lo lắng cho chúng cháu nhưng những người lính luôn ở cạnh chúng cháu. Chúng cháu cũng phải tập sơ tán cho nên chẳng có điều gì đáng sợ cả”, cô học sinh lớp 4 nói với Reuters. Ngôi trường có vỏn vẹn 29 học sinh trong năm 2016, so với mức hạn ngạch 30 em được các nhân viên Liên Hợp Quốc chấp thuận. Trong số đó, chỉ 4 em đến từ làng nằm trong khu DMZ, còn lại đến từ nơi khác. Học sinh trong trường được miễn phí tiền ăn, học.
Các bậc cha mẹ Hàn Quốc rất coi trọng giờ học ngoại khóa tiếng Anh, môn học quan trọng trong kỳ thi vào đại học. Trường của Lee là môi trường học tập được nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng. Ở đây, các em có cơ hội hiếm có để học tiếng Anh 2 buổi một tuần từ lính Mỹ cũng như các nhân viên Liên Hợp Quốc, những người đang thi hành nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn sau chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953. Trong khi các trường tư nhân khác ở Hàn Quốc lại đắt đỏ.
Bryan Waite, một thủy thủ người Mỹ cũng là giáo viên dạy tiếng Anh tình nguyện, cho biết các học sinh được thực hành kỹ năng nói tiếng Anh và tìm hiểu về lịch sử khu vực này. “Đó là một trải nghiệm có một không hai và rất quan trọng với trẻ em ngay từ khi còn nhỏ”, Waite nói.
Năm 2008, trước nguy cơ đóng cửa vì cư dân sống trong vùng DMZ giảm dần, trường Daesungdong phải tuyển sinh thêm từ bên ngoài DMZ. Trái với không khí lạc quan trong lớp học, những người nông dân sống trong khu DMZ luôn cảm thấy lo lắng. Hàng ngày họ đều làm việc dưới sự giám sát quân sự.
Các giáo viên và học sinh không được ở lại trường trong giờ giới nghiêm, từ nửa đêm đến 5h sáng. Học sinh cũng không được phép đi lại từ do bên ngoài khu vực trường học, mỗi lần ra ngoài đều phải được hộ tống quân sự và trang bị đồ chống đạn.
Bất chấp những rủi ro, người ta vẫn cảm nhận được nét thanh bình trong vùng phi quân sự vắng vẻ này. "Tâm trí của tôi thực sự yên bình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều gì nguy hiểm”, hiệu phó trường Daesungdong chia sẻ.
Tác giả bài viết: Mai Anh - Ảnh: Reuters
Nguồn tin: