Trong tỉnh

Trường học vùng khó khẩn trương vào guồng sau ngày tựu trường

Sau tựu trường, thầy cô giáo vùng khó Nghệ An khẩn trương triển khai nhiệm vụ năm học mới, với mục tiêu đầu tiên là huy động đầy đủ sỹ số HS.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An) trong ngày tựu trường. Ảnh: Hồ Lài.

Niềm vui năm học mới

Ngày tựu trường năm học mới 2023-2024, cô Phan Thị Long (GV Trường Tiểu học Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) đến từ sớm để đón chào các bạn nhỏ bước vào lớp 1. Sau khi ổn định chỗ ngồi cho học sinh trong lớp, cô trò bắt đầu tự giới thiệu bản thân và làm quen với nhau. Trong ngày tựu trường, các em cũng được tặng quà là vở, bút, bảng con mới… và háo hức thử những nét chữ đầu tiên.

Cô Phan Thị Long (GV Trường Tiểu học Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) hướng dẫn học sinh cách cầm phấn viết chữ cái. Ảnh: Hồ Lài.

Đây là năm thứ 7 cô làm công tác chủ nhiệm và dạy lớp 1, nên cô biết cách để những đứa trẻ người Thái, Đan Lai ở xã vùng khó khăn này có được cảm giác thân thiện, yên tâm bước vào môi trường mới. Trước đó, cô Long chủ yếu dạy lớp 5, nhưng từ khi chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới, cô được nhà trường giao nhiệm vụ đi tập huấn và phụ trách khối 1.

Theo cô Long, đây là khối lớp đặc biệt khi các em chuyển từ môi trường mầm non chủ yếu là vui chơi sang học chương trình phổ thông có thời khóa biểu rõ ràng, nội quy, kỷ luật. “Các em sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhất là học trò ở vùng dân tộc thiếu số còn hạn chế về tiếng Việt.

Quan trọng nhất là cô giáo phải nhẹ nhàng, tình cảm, quan tâm khích lệ để các em yêu thích trường lớp và việc đi học. Trước mắt, cô trò sẽ có 2 tuần 0 để nhận biết đồ dùng học tập, cách ngồi đúng tư thế, cầm bút, cầm phấn và học quy tắc trong lớp”, cô Long chia sẻ.

Cô Lê Thị Thúy Kiều và học trò trong ngày tựu trường. Ảnh: Hồ Lài.

Thạch Ngàn là xã đặc biệt khó khăn, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Đặc biệt trên địa bàn có hơn 100 học sinh là người dân tộc Đan Lai từ xã Môn Sơn sang tái định cư và sinh sống ở Thạch Ngàn.

Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên số học sinh thuộc diện hộ nghèo tại các trường học khá đông. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngày tựu trường, tỷ lệ huy động học sinh đến trường cơ bản đầy đủ. Các em tỏ ra phấn khởi, náo nức khi quay lại trường và gặp lại nhiều bạn bè, thầy cô giáo.

“Năm ngoái cô chủ nhiệm, nhưng năm nay các em sẽ học với cô giáo khác. Các em phải chăm ngoan, đi học đầy đủ và nghe lời cô giáo chủ nhiệm mới. Cô tuy không dạy các em nữa nhưng vẫn ở trong trường và theo dõi việc học tập của cả lớp ”, cô Thúy Kiều dặn dò.

Cô Lê Thị Thúy Kiều năm học này được giao phụ trách lớp 4A2, trong khi giới thiệu bản thân với học trò mới, thì ngoài cửa lớp ríu rít học trò năm ngoái đến chào. Lúc này, cô lại phải dành thời gian để “chia tay” trò cũ.

Trở lại với lớp mới tiếp nhận năm học 2023-2024, cô Thúy Kiều chia sẻ: Đây là lớp học sách giáo khoa mới theo tiến độ triển khai Chương trình GDPT 2018, chắc chắn sẽ có những khó khăn, vất vả.

Từ lớp 3 lên lớp 4 các em sẽ chuyển từ giai đoạn kiến thức còn dễ sang khó và nặng hơn. Hiện về phía học sinh, các em đã có đầy đủ sách giáo khoa mới. Còn phía giáo viên đã được tập huấn đầy đủ, kỹ càng, sẵn sàng cho việc dạy học.

Sau ngày tựu trường, học sinh của Trường Tiểu học Thạch Ngàn đã cơ bản đến trường đầy đủ. Ảnh: Hồ Lài.

Tuy nhiên, thực tế giảng dạy ở trường vùng cao, khó khăn phát sinh nhiều tình huống không có trong giáo trình, giáo án nào. Với đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, mức độ tiếp nhận kiến thức sẽ chậm hơn so với vùng trung tâm, thuận lợi. Thời gian này, tôi sẽ kiểm tra, hệ thống lại kiến thức cũ, vì trong 3 tháng hè phần lớn các em đã quên hết bài học. Sau khai giảng sẽ bắt đầu dạy bài mới với tinh thần chậm, chắc tùy thuộc vào mức độ nhận biết và hiểu bài của học sinh.

Trường dân tộc nội trú, bán trú nhanh chóng vào guồng

Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong năm học này có hơn 400 học sinh, trong đó có 105 em lớp 6. Cô Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, riêng khối 6 nhập học trước 1 tuần để ổn định sinh hoạt, còn khối 9 tổ chức ôn tập sớm chuẩn bị cho kỳ thi chọn HSG huyện.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong động viên học trò lớp 6 ngày đầu ở nội trú. Ảnh: NTCC.

Có thuận lợi về đầu vào là học sinh có năng lực khá, giỏi được lựa chọn từ các trường tiểu học từ 13 xã trong huyện, nên các em đều có ý thức tốt, ham học. Tuy nhiên, đối với các khối 6, các em lần đầu tiên rời bản làng, xa gia đình ở lại trường học nội trú nên bỡ ngỡ. Nhiều em trong 1 – 2 hôm đầu khóc vì nhớ nhà, thầy cô phải trực ký túc xá liên tục động viên, chia sẻ.

Đồng thời hướng dẫn các em nội quy ở nội trú như: thời gian biểu học tập, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ở tập thể với các bạn. “Đến nay, cơ bản mọi hoạt động của toàn trường đã bắt nhịp trở lại bình thường. Các khối lớp cũng tổ chức tổng dọn vệ sinh, tập luyện nghi thức chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học 2023-2024”, cô Kim Ngân cho hay.

Học sinh lớp 6 được hướng dẫn nội quy tác phong sinh hoạt nội trú. Ảnh: Hồ Lài.

Không thuận lợi như trường nội trú, trước thềm năm học mới, nhiều trường dân tộc bán trú ở các huyện vùng cao Nghệ An tiếp tục nhiệm vụ “thường niên” là vào bản vận động học sinh. Sau ngày tựu trường (28/8), qua rà soát, Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn còn vắng 6 học sinh.

Những ngày này, cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp 7A trực tiếp đến bản Pụng “gọi” 3 học sinh quay lại trường. Đó là các em Lương Việt Anh, Lô Thảo Uyên và Ngân Thúy Hằng. Các em này đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly dị hoặc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Có em ở nhà với ông bà, nhưng cũng có em tự mình xoay xở, nên không có người quản lý sát sao. Dù biết đến lịch trở lại trường, nhưng các em không muốn đi học.

Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) đến tận nhà gọi học sinh ra lớp. Ảnh: NVCC.

Đến tận nhà vận động, Hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo cho biết các em đi học được miễn học phí, có chế độ trợ cấp của Nhà nước ăn ở trong trường. Sau khi được thuyết phục, vừa động viện, vừa nghiêm khắc nhắc nhở, thì Việt Anh và Thảo Uyên đã đi học trở lại. “Riêng em Thúy Hằng do trong hè từng đi làm lao động thời vụ, nên tâm lý muốn nghỉ học đi làm kiếm tiền. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục động viên em quay lại lớp. Ngoài ra, trong trường còn có học sinh dịp hè vào miền Nam theo bố mẹ đến nay vẫn chưa về”, cô Nguyễn Thị Nhung cho hay.

Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền năm học này có 252 học sinh trong đó có 170 em thuộc diện bán trú. Theo hiệu trưởng, từ năm học trước, trường được chuyển sang cơ sở vật chất mới với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, khu nhà ở nội trú học sinh khang trang, đẹp đẽ. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục toàn diện cho học sinh theo kế hoạch.

Giáo viên các trường vùng cao đi vận động học sinh tới trường dịp đầu năm học mới 2023-2024. Ảnh: NTCC.

Cô Nguyễn Thị Nhung cho biết: “Những năm gần đây, số lượng học sinh bỏ học hàng năm không còn nhiều, nhưng quan điểm của nhà trường là ổn định sỹ số chính là điều kiện đầu tiên để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu huy động được tất cả học sinh theo độ tuổi ra lớp bằng nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, chủ động triển khai các nhiệm vụ để đảm bảo kế hoạch năm học”.

Trước thềm năm học mới, học sinh các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn xã Thạch Ngàn cũng đón nhận niềm vui khi chương trình Chiếc cặp yêu thương đã trao tặng 250 suất quà cho những em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Mỗi suất quà gồm 1 cặp sách, 20 vở và bộ đồ dùng học tập. Bên cạnh đó, chương trình cũng trao tặng 10 triệu đồng cho Trường Mầm non Thạch Ngàn.

Chương trình do Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An và Công ty Sách, thiết bị trường học tổ chức, được triển khai từ năm 2023 đến năm 2028, hướng đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các cấp tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP