Trong nước

Trung ương quyết tinh giản, bộ máy vẫn phình thì lo thay

Không nên hiểu cứng nhắc mục tiêu tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách, mà quan trọng nhất là hiệu quả, hiệu lực của bộ máy.

Theo một số liệu của Ban Tổ chức Trung ương hồi tháng 11/2017, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khoá XI về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước không những không giảm mà còn tăng thêm hơn 96.000 người.

Còn theo thông báo gần đây từ Ban Tổ chức Trung ương, đến hết tháng 6/2018, vẫn còn tới 9/63 Ban Tổ chức cấp uỷ trực thuộc Trung ương chưa có tham mưu cấp uỷ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18 BCH Trung ương 6 khóa XII, Kế hoạch 07/ TW của Bộ Chính trị về thực hiện “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Điều này thật đáng lo bởi thời gian thực hiện mục tiêu tinh giản 10% biên chế bộ máy hành chính Nhà nước (so với biên chế giao năm 2015) là năm 2021, họ sẽ làm thế nào cho kịp? Trong khi đó, có một số tỉnh vào cuộc quyết liệt thì đến nay đã giảm được 5-7% biên chế, hợp đồng.

Điều này chứng tỏ bên cạnh những địa phương tích cực vẫn còn một số địa phương khá thụ động, chờ đợi trên hướng dẫn tiếp mà chưa chịu tự vận động, suy nghĩ.

Tinh gọn bộ máy, Đảng sẽ mạnh hơn. Ảnh minh họa: P.Hải

Những băn khoăn từ địa phương

Ở chiều ngược lại, từ thực tế cơ sở, các đảng bộ địa phương trong cả nước cũng có nhiều băn khoăn, cần được Trung ương tháo gỡ sớm.

Nguyện vọng của các đảng bộ địa phương là Trung ương thể hiện sớm quan điểm chỉ đạo, ủng hộ thí điểm các nội dung mới không có trong quy định nhưng phù hợp với thực tiễn về công tác tổ chức cán bộ nói chung và tinh giản bộ máy biên chế nói riêng. Chẳng hạn, việc bố trí số lượng cấp phó đừng cứng nhắc quá; như thí điểm nhập ban Tuyên giáo với ban Dân vận cấp uỷ; thí điểm bố trí kế toán kiêm nhiệm các trường học...

Các địa phương cũng mong muốn Trung ương khi chỉ đạo sắp xếp các tổ chức bộ máy nên sắp xếp các tổ chức cùng khối dạng, như các ban của khối đảng; các sở, phòng khối chính quyền. Như vậy bộ máy sẽ dễ vận hành và ít gặp vướng mắc hơn.

Việc tổ chức thi tuyển viên chức dưới địa phương nên theo hướng tập trung, không phân cấp cho các sở, ngành, huyện, thị để có thể nâng cao chất lượng.

Có một thực tế nữa mà tôi cảm nhận được khi xuống tìm hiểu một số cơ sở ở Hà Tĩnh. Đó là việc sáp nhập thôn/ tổ dân phố khá ổn nhưng còn nhiều băn khoăn nếu như thực hiện theo thông tư 09/2017/ Bộ Nội vụ.

Mô hình thôn/ tổ dân phố không phải là cấp hành chính mà nó mang tính chất tự quản, cần có sự tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán ở một phạm vi địa lý nhất định. Người cán bộ thôn/ tổ dân phố phải nắm chắc từng hộ dân của mình thì quản lý mới hiệu quả. Họ cần có điều kiện để sinh hoạt cộng đồng, hội họp và là dịp để hàn huyên mỗi khi ngồi cùng nhau.

Nếu như mô hình thôn mà quá lớn (khoảng 400 hộ như thông tư 09/ Bộ Nội vụ hướng dẫn) thì cơ sở vật chất rất khó đáp ứng). Bên cạnh đó, muốn dự sinh hoạt thôn, có khi người dân phải đi xa tới 5-7 km hoặc hơn thế.

Một số bộ ngành Trung ương lại “phình”

Ở một số tỉnh mà tôi có cơ hội đi thực tế họ tính toán rất chi li, nghiêm túc để tinh giản biên chế và bộ máy mạnh mẽ. Trong khi trái lại, ở cấp Trung ương, một số bộ, ngành lại phình ra.

Chẳng hạn, tính đến tháng 6/2017, số bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ từ nhiệm kỳ khoá XII đến nay tuy có giảm so với khoá XI nhưng số đầu mối bên trong lại tăng. Cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với 2011; có 826 cục, vụ thuộc tổng cục, tăng 4,7% và 7.280 phòng trong tổng cục, tăng cũng 4,7% so với 2011; có 750 cục, vụ tương đương thuộc bộ, tăng 13,6% và 3.970 phòng trong cục, vụ và tương đương thuộc bộ, tăng 13% so với 2011. Đó là chưa tính Lực lượng vũ trang.

Một số liệu khác cho thấy, tỷ lệ cán bộ phục vụ trong các cơ quan Đảng ở Trung ương chiếm 27,2%; ở cơ quan trung ương của MTTQ và các đoàn thể chính trị chiếm 29,85%.

Chẳng thế mà Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đưa ra con số để so sánh khá ấn tượng: Dân số nước nhà tăng có 20% sau 5 năm, nhưng số người hưởng lương từ ngân sách lại tăng những 100% thì đúng là rất đáng suy nghĩ.

Mục tiêu quan trọng nhất: Hiệu quả bộ máy

Nếu so với nhiều quốc gia, Việt Nam rõ ràng chẳng hề giống ai về bộ máy hưởng lương từ ngân sách. Chỉ vậy thôi là đủ hiểu không thể có cách nào tăng lương cũng như nâng cao đời sống công chức, người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách khi mà năng suất lao động lại rất thấp.

Thêm nữa, trong làn sóng cuộc Cách mạng 4.0, chắc chắn nhân lực lao động dù là chân tay hay trí óc đều sẽ bị tác động theo hướng tinh giản tối đa. Vì thế, việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả cũng là phù hợp và cho thấy sự chuẩn bị chủ động, tích cực của chúng ta.

Có thể nói việc tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và đúng đắn, mang tính sống còn đối với cả chế độ. Nhưng chúng ta cũng không nên hiểu cứng nhắc mục tiêu tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách, dù đây là vấn đề quan trọng.

Hiệu quả cao, hiệu lực tốt sau khi tinh giản bộ máy sẽ giúp Đảng lấy lại sự tin tưởng của toàn dân với hệ thống chính trị. Đây mới là mục tiêu lớn nhất mà Đảng quyết tâm làm và sẽ làm kiên quyết, rốt ráo trong thời gian tới đây. Cách làm cũng sẽ không nóng vội, thấy chưa phù hợp thì tiếp tục điều chỉnh.

Như ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong một lần giải đáp câu hỏi thắc mắc về những vướng mắc dưới cơ sở khi thực hiện tinh giản, đã chia sẻ: khi đã là nghị quyết thì các cấp uỷ Đảng phải quán triệt, thực hiện nghiêm. Những việc gì đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm và làm ngay. Việc gì chưa chín, còn có ý kiến khác thì mạnh dạn thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm, từng bước nhân ra diện rộng. Làm có lộ trình, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.

Tác giả: Quốc Phong

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP