Quy định mới áp dụng cho các nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu khoa học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở y tế và doanh nghiệp. Ảnh: Sixth Tone. |
Ngày 21/12/2023, Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc ban hành hướng dẫn mới siết chặt việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu khoa học. Theo quy định, các nhà nghiên cứu bị cấm:
Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh để trực tiếp tạo tài liệu khai báo cho nghiên cứu.
Ghi AI là đồng tác giả của thành quả nghiên cứu.
Quy định này áp dụng cho các nhà nghiên cứu tại các viện nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở y tế và doanh nghiệp.
Bộ Khoa học Công nghệ cho biết hướng dẫn này nhằm giải quyết những thách thức mới trong xử lý dữ liệu nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ sự phát triển nhanh chóng của AI.
Nguyên tắc trên yêu cầu tất cả nội dung do AI tạo ra phải được ghi chú rõ ràng, đồng thời cung cấp thông tin về cách thức sản xuất nội dung đó.
Ông Zhang Xin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kỹ thuật số và Đổi mới Pháp lý tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh, cho rằng quy định này sẽ thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm hơn trong nghiên cứu khoa học.
"Việc sử dụng tài liệu tham khảo do AI tạo ra mà không kiểm chứng không chỉ đe dọa chất lượng nghiên cứu mà lan truyền thông tin sai lệch, gây ra nhiều rủi ro cho xã hội", ông Zhang nói với Sixth Tone.
Ngoài ra, ông Zhang cũng nhận định việc cấm AI là đồng tác giả phù hợp với thông lệ học thuật rộng rãi hiện nay tại Trung Quốc.
Trước đó, tháng 9/2023, Viện Thông tin Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc đã hợp tác với các nhà xuất bản hàng đầu thế giới Elsevier, Springer Nature và John Wiley & Sons để ban hành quy định về việc sử dụng nội dung do AI tạo ra trong các bài báo khoa học, trong đó cũng yêu cầu ghi chú rõ ràng cho loại nội dung này.
Tháng 8/2023, các cơ quan chức năng đã công bố dự thảo luật mới về bằng cấp học thuật, quy định sinh viên bị phát hiện sử dụng AI để viết luận văn sẽ bị thu hồi bằng cấp.
Mặc dù dự thảo vẫn chưa hoàn thiện, một số tạp chí học thuật trong nước đã bắt đầu từ chối các bài báo được tạo ra với sự trợ giúp của AI.
Ông Zhang cho rằng khi AI trở thành công cụ nghiên cứu quan trọng, cần có thêm quy định rõ ràng hơn về việc sử dụng AI trong nghiên cứu.
Trong bối cảnh công cụ AI ngày càng phổ biến tại Trung Quốc, cơ quan chức năng đã chủ động ban hành nhiều quy định quản lý các ứng dụng khác nhau, bao gồm thuật toán đề xuất và "deepfake" - video hoặc bản ghi âm giả mạo của con người được tạo ra bằng AI.
Tháng 4/2023, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã công bố các quy định cụ thể cho AI tạo nội dung, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm điều này.
Các nền tảng truyền thông xã hội lớn như TikTok và Bilibili cũng bắt đầu yêu cầu gắn nhãn các video do AI tạo ra.
Tác giả: Ngọc Bích
Nguồn tin: znews.vn