Thế giới

Trung Quốc đào được "tổ tiên của nhân loại" 540 triệu tuổi, như yêu tinh?

Hình ảnh phục dựng về một sinh vật gần như chỉ là một cái túi có miệng lớn, xuất hiện trên Trái Đất vào ngay thời điểm mở đầu Liên đại Hiển Sinh, rất có thể là vị tổ tiên của nhân loại.

Nhóm nghiên cứu đến từ Trường Khoa học và Tài nguyên Trái Đất thuộc Đại học Trường An - Trung Quốc, Học viện Khoa học Trung Quốc và Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Bristol - Anh đã phân tích một hóa thạch kỳ lạ được khai quật 5 năm trước ở Trung Quốc và kết luận rằng đó có thể là vị tổ tiên của nhiều loài trên Trái Đất ngày nay, bao gồm con người chúng ta.

Chân dung "vị tổ tiên của nhân loại" sống vào đầu kỷ Cambri - Ảnh: NATURE

Bài được công bố trên tạp chí khoa học Nature mô tả loài được đặt tên Saccorhytus coronarius là một động vật kỳ dị hình elip, có kích thước đo bằng mm, có miệng to nhưng không có hậu môn giống như những loài san hô, hải quỳ và sứa sau này, đã giúp mở rộng kho tàng về đa dạng sinh thái của các sinh vật kỷ Cambri sớm.

Kỷ Cambri (bắt đầu từ 542 triệu năm trước) là kỷ đầu tiên của Đại Cổ Sinh, đại thứ nhất của Liên đại Hiển sinh, một dấu mốc quan trọng khi Trái Đất chuyển từ giai đoạn "địa cầu tuyết" với những vi sinh vật sơ khai sang một thế giới ấm áp hơn, đa dạng loài.

Kỷ Cambri là giai đoạn địa chất gắn liền với vụ bùng nổ sinh học lớn nhất lịch sử Trái Đất.

"Vị tổ tiên của nhân loại" trông như một yêu tinh nhỏ trong phim hoạt hình - Ảnh: NATURE

Tờ Science Alert mô tả động vật bé cỡ hạt gạo này là "con yêu tinh nhỏ xinh" bởi hình ảnh phục dựng cho thấy nó không khác gì một con yêu tinh trong phim hoạt hình, hoặc một kiểu sinh vật ngoài hành tinh kỳ lạ.

Khắp mình "vị tổ tiên của nhân loại" mọc gai tua tủa quanh lớp vỏ cứng, xung quanh miệng có một số nếp gấp và một vòng lởm chởm nốt sần như da gà. Theo nhà cổ sinh vật học Huaqiao Zhang từ Học viện khoa học Trung Quốc, các chi tiết có vẻ đáng sợ này sẽ giúp nó bắt và xử lý con mồi.

Nhà cổ sinh vật học Philip Donoghue từ Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Bristol cho biết họ đã đối chiếu mẫu vật với cây gia phả của các loài có đặc tính tương tự và đặt nó một cách chắc chắn vào hệ sinh thái nguyên sinh của vương quốc động vật.

Về mối liên hệ sinh học với các động vật hiện đại, nó liên quan mạnh mẽ hơn với nhóm động vật không xương sống, động vật chân đốt... hơn là chúng ta, tuy nhiên với vị trí trên đỉnh của cây gia phả, chắc chắn "dòng máu" của "yêu tinh" kỷ Cambri này đã chảy phần nào trong mọi loài động vật hiện đại.

Sinh vật cũng giống như một bước nhảy vọt tiến hóa, nhưng vẫn cần những bước nghiên cứu kỳ công về cách mà nó tiếp tục biến đổi và những loài kế nhiệm trực tiếp là gì.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP