Ngày mai (15/12), các nhân vật uy tín tại Thung lũng Silicon cùng nhiều lãnh đạo công nghệ khác sẽ tới Tháp Trump ở New York để gặp Donald Trump cùng các cố vấn của ông.
CEO của Tesla, Elon Musk, dự kiến sẽ gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng nhiều lãnh đạo công nghệ khác. (Ảnh: WSJ)
Các CEO dự kiến sẽ đến gồm Tim Cook của Apple, Larry Page của Alphabet, Elon Musk của Tesla và SpaceX, Satya Nadella của Microsoft, Jeff Bezos của Amazon, Brian Krzanich của Intel, Ginni Rometty của IBM, Safra Catz của Oracle và Chuck Robbins của Cisco Syrtems.
Đại diện cho Facebook sẽ là Sheryl Sandberg, phụ trách hoạt động của tập đoàn này, chứ không phải Mark Zuckerberg - một trong nhiều doanh nhân công nghệ bày tỏ lo ngại về cam kết của Trump sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư.
Theo hãng tin AP, đây có thể sẽ là một cuộc gặp rất căng thẳng.
Thời gian qua, chưa có một ngành nào công khai coi thường Trump trong chiến dịch tranh cử hơn ngành công nghệ. Trong một lá thư ngỏ công bố hồi tháng 7, hơn 140 lãnh đạo công nghệ, doanh nhân và nhà tư bản mạo hiểm công kích Trump là một "thảm họa đối với sự sáng tạo".
Và sự chỉ trích của Trump nhằm vào người Mexico, cam kết của ông sẽ trục xuất hàng trệu người nhập cư đang sống ở Mỹ trái phép, cùng những bình phẩm thô lỗ về phụ nữ đã bị một ngành vốn tự hào về sự khoan dung của mình coi là độc đoán, phân biệt chủng tộc...
Về phần mình, Trump thỉnh thoảng lại lên án công nghệ cao cùng các lãnh đạo của ngành này. Ông đả kích Bezos vì đưa tin tranh cử trên trang Washington Post, và cho rằng Amazon có thể bị điều tra độc quyền nếu ông thắng cử. Trump cũng trách cứ Tim Cook vì chống lại lệnh của chính phủ yêu cầu bẻ khóa chiếc iPhone của tay súng khủng bố ở San Bernardino, California.
Và những thông điệp lặp đi lặp lại chống người nhập cư của Trump đã làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể giải tán những chương trình cho phép các hãng công nghệ thuê hàng chục nghìn lao động nước ngoài có kỹ năng lập trình, thiết kế website và phát triển các ứng dụng điện thoại.
Ngành công nghệ cũng lo ngại Tổng thống Trump có thể tìm cách phá vỡ "luật trung lập net" - quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải cấp truy cập bình đẳng cho tất cả các dịch vụ trực tuyến. Việc Trump 'tố' truyền thông không trung thực, không công bằng, đã gây lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Mỹ thậm chí sẽ tìm cách giới hạn tự do ngôn luận trên mạng.
Một số người ở Thung lũng Silicon cho rằng, tốt nhất là giữ khoảng cách cho đến khi Trump thay đổi quan điểm. Cựu quan chức Google Chris Sacca, giờ là một nhà đầu tư công nghệ, cho rằng các lãnh đạo công nghệ nên cùng nhau tẩy chay cuộc gặp.
Ngồi lại với Tổng thống đắc cử "sẽ chỉ có ý nghĩa sau khi Trump công khai cam kết sẽ không khuyến khích kiểm duyệt, sẽ dừng tận dụng tin vịt, sẽ thúc đẩy tính trung lập của mạng, lên án tội thù ghét, và đón nhận khoa học", Sacca quả quyết.
Hầu hết các công ty cử đại diện đi gặp Trump đều từ chối bình luận. Tuy nhiên, trong một thông báo, Catz của Oracle cho biết bà định trao đổi với Trump rằng "chúng tôi đứng về phía ông và ở đây để giúp theo mọi cách nào có thể. Nếu ông ấy có thể cải tổ mã số thuế, giảm bớt quy định, và đàm phán các hợp đồng thương mại tốt hơn thì cộng đồng công nghệ Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn, cạnh tranh tốt hơn".
Tác giả bài viết: Thanh Hảo
Nguồn tin: