Trong tỉnh

Trồng rừng nguyên liệu: Vì sao người dân đề nghị thu hồi dự án?

Mặc dù được nhà nước giao hàng trăm héc ta đất rừng để thực hiện dự án vùng nguyên liệu. Hơn 10 năm nay, dự án chưa thấy đâu nhưng người dân thì mong muốn thu hồi để giao đất sản xuất. Bởi, sống trên rừng nhưng không có đất để canh tác. Chuyện xảy ra tại bản Khứm, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Khu vực rừng thuộc tiểu khu 190 xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Người dân phản ứng...

Trong nhiều năm trở lại đây, khi gỗ dăm có giá, người dân các huyện miền núi cũng bắt đầu trồng loại cây keo, tràm để năng cao thu nhập. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều câu chuyện tranh chấp đất đai đã phát sinh. Điển hình như tại bản Khứm, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. Hơn 100 hộ dân đang yêu cầu chính quyền thu hồi dự án vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (TP Vinh) để giao đất cho người dân.

Cụ thể, ngày 12/10/2009 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (Công ty Thanh Thành Đạt) thuê hơn 888ha đất lâm nghiệp tại huyện Quỳ Châu để thực hiện dự án trồng rừng vùng nguyên liệu. Riêng tại bản Khứm, xã Châu Hội có hơn 242ha, với thời hạn thuê đất đến hết ngày 11/6/2048. Dù được thuê đất, nhưng trên thực tế 200/242ha của đơn vị này vẫn do người dân sản xuất, mà theo chính quyền và chủ đầu tư thì người dân đang xâm chiếm đất của công ty.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An. Từ năm 2011 đến tháng 12/2020, các hộ dân bản Khứm, xã Châu Hội đã tổ chức xâm chiếm đất của Công ty Thanh Thành Đạt khoảng 200ha để trồng keo tại tiểu khu 190. Đến nay, số keo trồng trên diện tích xâm chiếm đã thu hoạch được 1 vụ và tiếp tục trồng vụ 2 (đã được 3-4 năm tuổi). Diện tích đất Công ty Thanh Thành Đạt sử dụng thực tế khoảng 42ha (đầu năm 2021, Công ty Thanh Thành Đạt bắt đầu khai thác keo trên diện tích 42ha). Đến ngày 24/6/2021 có thông tin nhiều người dân thuộc bản Khứm tự ý vào xâm chiếm, đốt, xử lý thực bì và đào hố trồng cây (keo) ngay trên diện tích vừa khai thác xong, thuộc các thửa số 7, 180, 192, 201, 202, 210, 216 ở tiểu khu 190.

Phản ứng với kết luận này, người dân bản Khứm cho rằng, đây là diện tích đất họ canh tác từ hàng chục năm nay. Bỗng nhiên, những khoảnh đồi ấy được giao cho doanh nghiệp. Ông Lô Văn Khoái - người dân bản Khứm cho biết, khu đất tại tiểu khu 190 như trong kết luận của chính quyền, thực chất là đất của người dân bản Khứm đã sản xuất, canh tác từ đời ông cha đến nay. “Không hiểu vì sao lại giao cho doanh nghiệp, để giờ đây họ bảo người dân xâm chiếm đất. Chúng tôi sống, canh tác trên mảnh đất này từ hàng chục năm nay. Vậy, sao bảo người dân xâm chiếm” - ông Khoái nói.

Ông Lương Văn Nam (63 tuổi) cho biết, người dân sống trên mảnh đất này từ nhiều đời nay, chỉ có rừng mới nuôi sống chúng tôi. Nay sống gần rừng mà không có đất để sản xuất thì rất vô lý, chúng tôi đề nghị thu hồi đất của doanh nghiệp để giao lại cho dân. “Điều đáng nói là khi tỉnh giao đất cho Công ty Thanh Thành Đạt, người dân bản Khứm không được họp bàn, thống nhất. Chúng tôi không đồng tình với chủ trương giao đất của UBND tỉnh” - ông Nam nhấn mạnh.

Chính quyền nói gì?

Cũng theo người dân bản Khứm, việc giao đất cho doanh nghiệp đã “ôm trọn”gần như toàn bộ diện tích đất đã sử dụng lâu nay. Người dân lập luận rằng, họ được giao đất từ giai đoạn 2004-2013, có 182/195 hộ dân bản Khứm được phân bổ quỹ đất sản xuất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể, hiện có 109 hộ sở hữu 47 thửa đất với 41 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù nhiều hộ cùng chung một giấy chứng nhận sử dụng đất, nhưng đó là cơ sở pháp lý cho việc chứng nhận quyền sở hữu của mình.

Trước thực tế này, tháng 8/2022, sau khi đối thoại với người dân bản Khứm, UBND huyện Quỳ Châu đã có văn bản số 1321 trả lời với người dân về những kiến nghị như tách bìa đất, thu hồi diện tích đất rừng để giao lại cho dân…. Tuy nhiên, như đã nói người dân bản Khứm vẫn không đồng ý với chính quyền khi cho rằng họ xâm chiếm đất của doanh nghiệp. Đồng thời, vẫn đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi đất để giao cho người dân sản xuất.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Lim Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết, chúng tôi rất chia sẻ với người dân, về pháp lý thì diện tích này đã giao cho doanh nghiệp. Còn về mặt lịch sử, thì người dân sống, canh tác, tự khai hoang lâu nay…. Và đến nay, thực tế trên tổng diện tích này, hơn 200ha vẫn do người dân canh tác, chỉ có hơn 42ha đang còn có tranh chấp.

Trong khi đó, ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, việc người dân đề nghị thu hồi đất để giao cho dân sản xuất, hiện chúng tôi đã gửi kiến nghị này lên UBND tỉnh để xem xét. Riêng Công ty Thanh Thành Đạt thì họ chưa trả lời với chính quyền về kiến nghị của người dân. Chúng tôi không thể liên lạc được với Công ty Thanh Thành Đạt để làm rõ về vấn đề này.

Được biết, thực tế nhu cầu trồng rừng của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt tại riêng huyện Quỳ Châu không lên đến con số 888ha như phê duyệt của tỉnh Nghệ An. Không những vậy, vào năm 2008, qua công tác lập và phê duyệt ban đầu, doanh nghiệp này được ưu ái quỹ đất khổng lồ 1.040ha.

Ông Lương Văn Nam (63 tuổi) - người dân bản Khứm, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho rằng, người dân sống trên mảnh đất này từ nhiều đời nay, chỉ có rừng mới nuôi sống chúng tôi. Nay sống gần rừng mà không có đất để sản xuất thì rất vô lý, chúng tôi đề nghị thu hồi đất của doanh nghiệp để giao lại cho dân.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP