Nhà đẹp

Trồng hoa trong nhà mắc 6 sai lầm này cây dễ bị thối rễ, lỗi thứ 2 nhiều người mắc phải

Nếu tránh được 6 sai lầm này thì rễ sẽ khỏe, lá sẽ xanh tốt, hoa bung nở trong chậu ngay cả khi bạn trồng trong nhà.

Ngày nay rất nhiều người trồng hoa, cây cảnh trong nhà để thanh lọc không khí cũng như tô điểm thêm cho không gian sống. Tuy nhiên trồng hoa trong nhà thường khó hơn trồng hoa ngoài trời, cây dễ gặp nhiều vấn đề như vàng lá, thối rễ, thậm chí là chết cây.

Thế nhưng nếu tránh được 6 sai lầm này thì rễ sẽ khỏe, lá sẽ xanh tốt, hoa bung nở trong chậu ngay cả khi bạn trồng trong nhà.

1. Thông gió kém

Rắc rối nhất của việc trồng hoa trong nhà là vấn đề thông gió. Điều kiện thông gió trong nhà tuyệt đối không thể so sánh với ngoài trời. Nếu đặt cây trong môi trường thông gió kém, cây không chỉ dễ bị thối rễ mà còn dễ sinh ra một số mầm bệnh hoặc bị côn trùng gây hại tấn công, khiến cây bị vàng lá, thối rễ.

Nếu muốn hoa phát triển khỏe mạnh, nở hoa nhiều khi trồng trong nhà thì phải đảm bảo thông gió tốt. Nên đặt chúng ở bậu cửa sổ hoặc ban công, một số nơi thông gió tốt sẽ giảm thiểu rất nhiều khả năng bị thối rễ.

Nếu điều kiện thông gió trong nhà thực sự hạn chế, ngay cả khi đặt cây ở bậu cửa sổ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của cây, nhất là vào mùa hè khi nhiệt độ cao, thì lúc này bạn hãy dùng quạt lưu thông không khí để duy trì thông gió tốt hơn.

2. Tưới nước quá thường xuyên

Rất nhiều người phạm phải lỗi này, nước uống thừa, nước rửa rau, nuôi cá,... đều đổ vào chậu cây để tiết kiệm nước. Họ tưới nước cho cây một cách vô tội vạ, nhưng việc này sẽ gây hại cho cây, khiến cây dễ bị úng nước và thối rễ. Vậy mới có câu “chăm nuôi cá, lười trồng hoa”.

Trồng hoa cần “lười biếng” vì hầu hết các loại hoa và cây cảnh thông thường cần lượng nước không nhiều. Nếu chậu cây bị thừa nước trong thời gian dài thì hơn 90% cây cảnh sẽ khó phát triển tốt được.

Nhưng nếu không thể kiểm soát tần suất tưới nước, nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ trồng hoa như máy kiểm tra đất. Hoặc, hãy lót một số nguyên liệu dưới đáy chậu hoa như than tổ ong, lá thông,... để việc thoát nước được tốt hơn.

3. Không phòng trừ sâu bệnh cho cây

Nếu môi trường thông gió và bạn tước nước với tần suất hợp lý mà cây vẫn bị vàng lá thì có lẽ bộ rễ đang gặp vấn đề. Tình trạng này phần lớn là do sự phát triển của một loại nấm trong đất, cũng là một loại sâu bệnh, dễ khiến rễ bị thối.

Do đó, khi chuẩn bị đất để trồng hoa, bạn phải dùng đúng loại đất phù hợp với cây trồng. Nếu cây ưa chua bạn không thể dùng đất kiềm để trồng cây được. Điều quan trọng nhất là trước khi trồng cây, cần phải dùng thuốc carbendazim để diệt khuẩn, loại bỏ sâu bệnh trong đất. Lấy thuốc này pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:500, trộn với đất, cho đất vào thùng xốp rồi đậy kỹ lại và để như vậy khoảng 1-2 ngày để khử trùng đất.

Nếu chậu hoa bị nhiễm nấm bệnh, nên thay chậu và thay đất cho cây ngay, hoặc dùng dung dịch carbendazim tưới trực tiếp vào gốc để khử trùng. Sau khoảng 3-4 lần, sâu bệnh sẽ được khắc phục.

4. Thiếu ánh sáng mặt trời

Khi trồng hoa trong nhà, điều kiện ánh sáng của một số nhà không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây như cành còi cọc, cây khó nở hoa, lá vàng thiếu sức sống,... Không chỉ vậy, cây còn dễ bị thối rễ bởi nếu không đủ ánh sáng, nước tưới bốc hơi chậm, dễ khiến cây bị đọng nước và rễ không thể thở nổi.

Tốt hơn hết, bạn nên để cây ở những nơi có ánh sáng đầy đủ, nhất là với những cây ưa sáng cần đảm bảo cây được “tắm nắng” ít nhất 4 tiếng/ngày. Tuy nhiên, cần phải tùy từng loại cây để có vị trí đặt chậu thích hợp vì có cây thích ánh sáng mạnh nhưng có cây chỉ thích ánh sáng tán xạ, ở trong bóng râm,...

5. Bón phân quá nhiều, quá thường xuyên

Nhiều người trồng hoa luôn lo lắng trong chậu có quá ít chất dinh dưỡng, không đủ để cây hấp thụ cho nên mỗi lần bón phân luôn bón nhiều, tần suất bón dày đặc. Thế nhưng, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Bón phân quá nhiều và quá thường xuyên dễ khiến cây bị “bội thực”, bộ rễ không kịp hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ bị thối rễ.

Trong thời kỳ sinh trưởng của cây, nên bón phân đạm để tăng cường sức đề kháng cho cây. Tuy nhiên trong giai đoạn ra hoa, nên bổ sung thêm lân và kali để thúc cây ra hoa, kéo dài thời gian ra hoa.

6. Không thay đất, thay chậu cho cây trong thời gian dài

Nhiều người trồng hoa chưa bao giờ thay chậu hoặc thay đất cho cây. Tuy nhiên sau 2 năm, các chất dinh dưỡng trong chậu, trong đất sẽ cạn kiệt, dễ bị nén chặt. Nếu bố rễ phát triển trong loại đất như vậy chắc chắn sẽ bị thối, cây còi cọc và chết dần chết mòn.

Vì vậy khi trồng hoa trong chậu nên thay chậu 1,5 năm/lần, tối đa 2 năm phải thay chậu một lần. Thời điểm tốt nhất để thay đất, thay chậu là vào mùa xuân và mùa thu. Hai thời điểm này điều kiện thời tiết khá dễ chịu nên sau khi “chuyển nhà” cây dễ hồi phục hơn.

Trước khi thay chậu cho hoa, bạn phải cắt nước trước khoảng 1 tuần, đồng thời chuẩn bị trước đất dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển của hoa, đất phải được khử trùng. Sau khi lấy hoa ra khỏi chậu, nhớ kiểm tra bộ rễ, cắt bỏ hết những rễ không khỏe mạnh rồi ngâm vào dung dịch carbendazim khoảng 10 phút để khử khuẩn. Tốt nhất nên cho thêm một ít phân cừu đã hoai mục làm phân bón lót, thường là 1 phân : 10 đất là đủ.

Tác giả: HẠO PHI

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP