Hơn 1ha cà gai leo đang được triển khai trồng tại thôn Quyết Tiến. Ảnh: Minh Hạnh |
Trên diện tích 1 ha, Công ty CP Dịch vụ Khoa học-Công nghệ- Nông nghiệp Thành An đã đưa vào trồng 55.000 bầu cây cà gai leo. Số cây giống này đều do Công ty tự ươm và chăm sóc. Để đối chứng hiệu quả, Công ty cũng đã đưa vào trồng theo 2 phương pháp phủ nilong và trồng bình thường.
Việc ứng dụng công nghệ tưới thấm tiết kiệm nước giúp nâng cao năng suất, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm được nhân công. Dự kiến, sau 4 tháng kể từ lúc trồng sẽ cho thu hoạch lứa cà gai leo đầu tiên.
Cà gai leo được công ty ươm giống vào bầu, sau đó mới đem trồng. Ảnh: Bá Hậu |
Qua thực tế cho thấy, ngoài việc thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Con Cuông thì việc trồng các loại cây dược liệu trong đó có cà gai leo có nhiều ưu điểm như: tính thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm bón, đầu tư ít.
Đối với cây cà gai leo có thể thu hoạch liên tục trong 3 năm, mỗi năm 2 đợt, năng suất từ 7 - 10 tấn/ha. Với giá bán qua sơ chế từ 70 - 100 nghìn đồng/kg thì việc trồng cây cà gai leo có thể đem về cho người dân trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm.
Cà gai leo được trồng hàng cách hàng và cây cách cây 15cm. Ảnh: Minh Hạnh |
Từ thành công bước đầu, sắp tới công ty sẽ mở rộng diện tích trồng dược liệu lên 10 ha, với 2 cây chủ lực là cà gai leo và dây thìa canh. Dự tính đến năm 2020, diện tích các cây dược liệu sẽ phát triển lên khoảng 15-20 ha.
Để khai thác tối đa những tiềm năng sẵn có, từ nay đến năm 2020, huyện Con Cuông đang nghiên cứu xây dựng các vùng chuyên trồng cây dược liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dược liệu, thực phẩm chức năng với các loại cây: sa nhân, thiên niên kiện, thổ phục linh, trà hoa vàng, đinh lăng...góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo cho bà con tại khu vực nông thôn, miền núi.
Tác giả: Minh Hạnh - Bá Hậu
Nguồn tin: Báo Nghệ An