Thế giới

Triều Tiên diễu binh mừng Quốc khánh

Hàng nghìn binh sỹ CHDCND Triều Tiên đã tham gia vào buổi lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng trong hôm Chủ nhật vừa qua, nhân sự kiện Quốc khánh lần thứ 70 của đất nước này. Cuộc diễu binh có sự hiện diện của nhiều khẩu đội pháo, xe tăng nhưng lại không có các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa như trong các sự kiện trước.

Người dân Triều Tiên đổ ra khu vực Quảng trường Kim Nhật Thành ăn mừng sau lễ diễu binh. (Nguồn: AP).

Tên lửa đạn đạo liên lục địa không xuất hiện

Nước CHDCND Triều Tiên được thành lập vào ngày 9/9/1948, tức 3 năm sau khi bán đảo này bị chia cắt vào những ngày cuối của Thế chiến II. Kể từ đó, ngày này đã trở thành một sự kiện lớn được tổ chức thường niên ở Triều Tiên, và trong những năm gần đây nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế do sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí mới trong lễ diễu binh.

Lễ diễu binh nằm nay thiếu đi sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa được xem là điểm đáng chú ý nhất. Theo giới phân tích, điều này là do chính quyền Bình Nhưỡng không muốn chịu rủi ro phá vỡ bầu không khí ngoại giao tích cực trên bán đảo Triều Tiên được xây dựng sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức ở Singapore hôm 12/6 vừa qua và tới đây là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Sau 21 phát đại bác khai mạc sự kiện, hàng chục đơn vị lính bộ binh bắt đầu diễu qua Quảng trường Kim Nhật Thành, nhiều binh sỹ mang kính hồng ngoại và súng phóng rocket vác vai, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong-un trên bục đài quan sát.

Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư trước đó đã đến thăm Triều Tiên với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên. Trên đài quan sát, ông Lật ngồi cạnh lãnh đạo Kim Jong-un, và hai người thường xuyên quay sang nói chuyện với nhau.

Tiếp sau các đơn vị bộ binh là các đơn vị thiết giáp chở quân, các hệ thống phóng tên lửa và xe tăng, trong khi các đội máy bay bay tạo hình con số “70” trên bầu trời thủ đô Bình Nhưỡng. Có thời điểm, các phi cơ chiến đấu tạo nên những vệt màu đỏ, trắng và xanh biển để thể hiện quốc kỳ Triều Tiên ngay bên trên Tháp Juche - tượng đài biểu trưng cho sự nghiệp chính trị của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Cuối cùng trong lễ diễu binh chính là phần trình diễn các loại tên lửa như thường thấy. Nhưng năm nay, chỉ có hai mẫu tên lửa xuất hiện, và đó là lớp Kumsong-3, một loại tên lửa chống hạm, và lớp Pongae-5, một tên lửa đất-đối-không; trong khi các loại tên lửa liên lục địa được cho là có khả năng với tới lãnh thổ Mỹ như Hwasong-14 và Hwasong-15 không hề xuất hiện.

“Không có sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Dường như phía Triều Tiên đang cố gắng giảm nhẹ bản chất quân sự của sự kiện này”- Chad O’Carroll, Giám đốc Tổ chức rủi ro Triều Tiên (KGR), nhận định - “Bởi vậy, sự kiện lần này sẽ được đón nhận một cách tốt đẹp hơn”.

Gần như ngay sau khi lễ diễu binh kết thúc, hàng nghìn người dân đã đổ ra khu vực quảng trường, mang theo những tấm biển lớn bên trên ghi nhiều khẩu hiệu cải thiện kinh tế nước nhà cùng những lời kêu gọi tái thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi tháng Tư năm nay, lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân trong nước đã hoàn tất và tiến trình “xây dựng kinh tế xã hội” sẽ là ưu tiên chiến lược mới.

Thiện chí của Bình Nhưỡng

Trước đó, hồi đầu tháng Hai năm nay, Triều Tiên cũng đã tiến hành một lễ diễu binh để kỷ niệm ngày thành lập lực lượng quân đội nước này.

Tại sự kiện đó, Bình Nhưỡng đã trình diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 và Hwasong -15 thế hệ mới. Đây là 2 loại tên lửa được cho là có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, đã được đưa ra thử nghiệm từ tháng 11/2017.

Từ trước khi buổi lễ diều binh mừng ngày Quốc khánh diễn ra, giới phân tích đã dự đoán rằng các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ không xuất hiện, như một cử chỉ “thiện chí” trong vấn đề phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng muốn thể hiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Kim Jong-un cũng muốn khép lại tình trạng thù địch đã kéo dài suốt 70 năm qua với Mỹ và Hàn Quốc.

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ không chỉ với Hàn Quốc mà còn cả với Mỹ trong vấn đề này- Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, nhận định.

Tham dự lễ diễu binh năm nay có đại diện cấp cao của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mauritius Mohamed Ould Abdel Aziz, Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là ông Lật Chiến Thư; Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko và Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Salvador Valdés Mesa.

Theo giới quan sát, Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh với quy mô lớn nhằm khẳng định về những thành tựu mà họ đạt được trong 70 năm qua, thay vì để phô diễn sức mạnh quân sự như những sự kiện diễu binh trước đây. Ngoài ra, dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh của Triều Tiên còn đánh dấu sự trở lại của màn đồng diễn nổi danh thế giới đã vắng bóng suốt 5 năm qua.

Hơn 120 nhà báo nước ngoài được phép đến Bình Nhưỡng để đưa tin về sự kiện. Đây là số lượng giấy mời lớn nhất mà Triều Tiên từng gửi tới các hãng truyền thông quốc tế trong những năm gần đây.

Tác giả: Khánh Duy

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP