Đây là một trọng những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các hoạt động lớn trong dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh – liệt sĩ. Đồng thời cũng là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau đối với những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, 468 liệt sĩ được Nhà nước trao Bằng Tổ quốc ghi công dịp này, phần lớn là các liệt sĩ được xác nhận thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp: là những bộ đội, đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn đến chết trong tù, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và những tín đồ tôn giáo yêu nước đã hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng. Trong đó, rất cảm động và day dứt bởi có đến 144 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Người hy sinh cách đây lâu nhất là liệt sĩ Nguyễn Văn Trượng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) hy sinh năm 1940 trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ. Ảnh: TTXVN |
“Có những trường hợp để được công nhận, cơ quan chức năng đã phải tìm tòi, xác minh chứng cứ ở các hồ sơ lưu trữ, các quân khu và các tỉnh, huyện liên quan,...để từ đó xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng. Những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và công khai trên các phương tiện thông tin của địa phương và Trung ương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông báo.
“Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua trong công tác xác nhận người có công với cách mạng chỉ là bước đầu. Chúng ta vẫn phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn hơn”, Bộ trưởng nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công và tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ là việc làm thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và nhân văn. Đây cũng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, của các thế hệ người Việt Nam hiện nay đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc ta, đặc biệt là trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, giữ gìn độc lập dân tộc, mang lại tự do cho đất nước, hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vĩnh viễn không được trở về với người thân, với gia đình và quê hương”.
“Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương "Uống nước, nhớ nguồn", không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước và đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, đặc biệt là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn nữa... Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội các cấp từ Trung ương tới địa phương”.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TB & XH tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong ba năm qua; tiếp tục làm tốt công tác này trong thời gian tới. Trong đó chú ý xác nhận đến đâu sẽ công bố cho thân nhân gia đình biết đến đó, không để sự chờ đợi của gia đình kéo dài thêm. Việc công bố chung sẽ được tổ chức long trọng trong các ngày lễ lớn của dân tộc.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB & XH tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và hệ thống chính sách đối với người có công, thực hiện mục tiêu trong Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề ra: "Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú".
“Mỗi người, mỗi Bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", coi đây là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội