Mặt dù Công an TP HCM liên tục cảnh báo về việc nhiều quý bà, quý cô giao lưu, kết bạn, trò chuyện qua mạng với những đối tượng ẩn danh rồi sụp bẫy nhưng vẫn có hàng loạt nạn nhân ngậm đắng mất tiền triệu, tiền tỉ.
Ham thùng tiền đô la
Cuối tháng 3-2020, bà N.T.T. (44 tuổi) đã đến Công an quận Thủ Đức viết đơn tố cáo vì bị "người tình người Mỹ" lừa đảo 1.700 USD. Trong đơn tố cáo, bà T. cho biết qua mạng zalo, bà quen với một đối tượng tự xưng là Ole Morgan, quốc tịch Mỹ. Sau nhiều lần nói chuyện, gửi hình ảnh qua lại, Ole Morgan giới thiệu mình là kỹ sư dầu khí làm việc tại Alaska.
Gã này nói rất yêu mến tà áo dài Việt Nam đồng thời muốn tìm một ý trung nhân để đi hết phần đời còn lại, xây dựng cuộc sống hạnh phúc đến răng long đầu bạc. Khi nhận thấy bà T. đã đủ tin tưởng những lời mật ngọt mùi mẫn, Ole Morgan nói rằng sắp tới sẽ nghỉ phép dài ngày bay đến Việt Nam và vẽ ra những ngày ngọt ngào "sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn".
Đối tượng gửi hình mặc đồ quân đội để lừa người tình qua mạng |
Gã "kỹ sư người Mỹ" nói rằng cần gấp 1.700 USD để đóng phí cho kỳ nghỉ phép dài, nhờ bà T. chuyển vào một tài khoản...Việt Nam ! Như bị bỏ bùa, bà T. đã chuyển khoản và chờ người tình đến sân bay để ra đón. Tuy nhiên, khi chờ quá lâu, bà T. không thấy người tình sang Việt Nam nên nhắn tin thì số điện thoại đã khóa nick nên bà không thể liên lạc. Biết bị lừa nên bà đến công an nhờ giúp.
Không chỉ những phụ nữ ở quê sụp bẫy mà nhiều quý bà thành thị, có trình độ học vấn cao vẫn rơi vào chiếc bẫy khá xưa của băng lừa đảo. Trong một cuộc họp liên ngành, đại diện Công an TP HCM đã kể một câu chuyện minh chứng cho những quý bà có học thức vẫn bị sụp bẫy như thường.
Theo đó, bà A.T. là cô giáo tiếng Anh và thường xuyên lên mạng xã hội giao lưu với nhiều người nước ngoài. Sau một thời gian tương tác, bà T. kết thân với một đối tượng tên Pronora giới thiệu có quốc tịch Mỹ, đang công tác tại chiến trường Afghanistan. Nói chuyện qua lại, Pronora gửi hình một người đàn ông mặc đồ quân đội, giới thiệu là chính mình và đang độc thân, có ý định sang Việt Nam cưới vợ.
Pronora ngỏ ý nhờ bà T. mai mối giúp mình một người vợ có trình độ, am hiểu về văn hóa, con người nước Mỹ. Khi bà T. bắt đầu tin tưởng, Pronore nói có một số tiền lớn muốn gửi sang Việt Nam nhờ bà cất giùm để khi qua Việt Nam cưới vợ thì có sẵn tiền. Bà T. đã cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên lạc, số chứng minh cho Pronore.
Sau đó, người phụ nữ rơi vào chiếc bẫy muốn nhận thùng quà bên trong có hàng trăm ngàn USD thì phải đóng thuế hải quan. Bà T. đã chuyển 1,4 tỷ đồng nhưng không nhận được món quà nào, trong khi đó Pronore đã chặn Facebook của bà.
Ngoài ra, hàng loạt phụ nữ khác cũng rơi vào bẫy sẽ gửi quà, gửi tiền rồi có nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Khi các quý bà chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng rút tiêu xài, chuyển cho đồng bọn.
Đánh vào lòng tham
Trước việc nhiều quý cô, quý bà trở thành nạn nhân của các gã trai ngoại kể cả là người Việt giả danh trai ngoại lừa đảo, Công an TP HCM đã đưa ra nhiều khuyến cáo, truyền thông đến người dân.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường đóng giả thành người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội (bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ...) đưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại nước ngoài hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria...
Các "gã trai ngoại" sẽ ngỏ ý làm quen, kết bạn, hứa hẹn kết hôn trên các trang mạng xã hội; làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn (trong đó có nhiều tiền, vàng...) để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện.
Ngoài ra, một kịch bản khác là đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư kinh doanh. Sau đó, nhóm lừa đảo (cấu kết với người Việt Nam) cho người đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị.
Thùng quà được các đối tượng photoshop rồi chụp gửi cho các quý bà |
Khi gọi điện trao đổi, nhóm lừa đảo sẽ thông báo phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Sau đó các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền rồi bọn chúng rút ra để chiếm đoạt.
Về vấn đề này, Công an TP HCM khuyến cáo rõ ràng: Không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội.
Bên cạnh đó, không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế...; tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng trên dưới bất cứ hình thức nào nếu đã chuyển tiền, thì báo ngân hàng phong tỏa ngay.
Nhiều năm xét xử các vụ án hình sự, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) nói rằng xuất phát từ thói quen kết bạn bừa bãi qua mạng xã hội, facebook, zalo nên nhiều quý cô, quý bà dễ dàng vô tình làm rò rỉ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, những đối tượng còn chú trọng việc các quý bà cô đơn, thiếu thốn tình cảm nên buông lời mật ngọt, dẫn dụ nạn nhân vào chiếc bẫy đã cố tình giăng sẵn.
"Nhiều vụ án hình sự thể hiện rõ những đối tượng đánh vào lòng tham của con người. Nhiều người suy nghĩ chỉ cần nộp vài trăm triệu có thể giữ giùm cả mấy tỉ, mấy chục tỉ. Nghĩ rằng quá lời tại sao không làm? Khi đã chuyển tiền, không thể liên lạc được thì nhiều người mới ngỡ ngàng biết mình lừa đảo. Chính vì vậy, đồng tiền xương máu mình làm ra thì phải trân trọng, đừng để lòng tham đánh mất lý trí", bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND TP HCM khuyến cáo: "Nhiều người vì quá tin tưởng, chỉ nói chuyện qua lại trên tin nhắn nhưng đã chuyển tiền là quá sai lầm. Không loại trừ những đối tượng nước ngoài, thời gian gần đây kể cả những băng lừa đảo người Việt cũng áp dụng chiêu trò này. Cho nên, cẩn tắc vô ưu, không chuyển khoản, cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai nếu không rõ người đó là ai. Mặc dù Công an TP HCM và VKSND TP HCM liên tục khuyến cáo nhưng những mối tình ảo vẫn khiến nhiều quý bà lao đao khi mất tiền vì chuyển khoản cho người tình. |
Tác giả: PHẠM DŨNG
Nguồn tin: Báo Người lao động