Trong nước

Trách nhiệm kiểm toán SCB thuộc về ai?

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết các sai phạm tại SCB không liên quan gì đến hoạt động của kiểm toán nhà nước.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời chất vấn và tranh luận của các đại biểu.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi chất vấn và có nhắc đến vụ việc xảy ra ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được các cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Ông Hải đặt câu hỏi, theo thông tin đại chúng, nhiều công ty kiểm toán đã thực hiện về kiểm toán báo cáo tài chính của SCB nhưng không phát hiện được dấu hiệu bất thường của ngân hàng này. Vậy, vai trò và trách nhiệm của hoạt động kiểm toán với vụ việc ở SCB và tương tự trong thời gian qua là như thế nào?

Trả lời vấn đề trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, vụ việc xảy ra tại SCB không liên quan đến Kiểm toán Nhà nước và cũng không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn vào sáng 5/6. Ảnh: QH

Vụ án xảy ra ở SCB có 3 nhóm tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cả 3 hành vi này đều không liên quan gì đến Kiểm toán Nhà nước, vì không thuộc đối tượng và phạm vi quản lý.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập. Vì vậy, trách nhiệm để xảy ra vụ việc ở SCB thuộc về những doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết thêm rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán những đơn vị sử dụng tài chính công và tài sản công theo quy định pháp luật. Điều này có nghĩa là những doanh nghiệp không có vốn Nhà nước thì sẽ không được kiểm toán nhà nước.

Vì việc kiểm toán đối với SCB thuộc lĩnh vực kiểm toán độc lập nên Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Đại diện Bộ Tài chính nói gì về kiểm toán SCB?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi kiểm toán về Ngân hàng Nhà nước, mặc dù không kiểm toán SCB nhưng Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị và lưu ý với ngân hàng này. Ảnh: QH

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mặc dù không thuộc diện quản lý của Kiểm toán Nhà nước nhưng khi kiểm toán với hệ thống ngân hàng nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiến nghị và lưu ý một số vấn đề ở SCB. Hệ thống kiểm toán hiện nay được chia thành 2 nhánh, bao gồm kiểm toán Nhà nước (do Quốc hội thành lập) và kiểm toán độc lập.

Trên thực tế, từ năm 2012 – 2022, SCB đều thuê công ty kiểm toán nước ngoài như EY, Deloitte và KPMG để thực hiện kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kiểm toán độc lập này có những thiếu sót, sai phạm và đã được cơ quan tố tụng điều tra và xử lý.

Ông Hồ Đức Phớc nói thêm, khi kiểm toán ở Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thuộc diện kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã đưa ra kiến nghị và lưu ý về hoạt động của SCB.

Ông Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính không trực tiếp kiểm toán, thay vào đó chỉ quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán độc lập.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra và kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Trong đó có 11 doanh nghiệp đạt yêu cầu, 7 doanh nghiệp không đạt yêu cầu và 1 doanh nghiệp yếu. Đồng thời, sau khi kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán cho thấy 16 hồ sơ đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu, 20 hồ sơ yếu kém, Bộ Tài chính đình chỉ 7 kiểm toán viên, nhắc nhở 21 người, phê bình các công ty kiểm toán…

Trong năm 2024, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện kiểm tra đối với 20 - 24 doanh nghiệp. Trong đó, có 8 doanh nghiệp kiểm toán các công ty công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo các báo cáo kiểm toán được SCB công bố, kết quả thẩm định thường niên từ năm 2012 – 2021 không chỉ ra điểm nào bất thường về tình hình tài chính cảu ngân hàng này. Tuy nhiên, đến khi SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 10/2022, kết quả kiểm toán lại cho thấy tại thời điểm ngày 230/9/2022, ngân hàng này đã bị lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.

Vụ việc vỡ lở và khiến dư luận xôn xao. Kết quả, đến ngày 11/4/2024, TAND TP HCM đã ra phán quyết đối với sai phạm của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 người khác liên quan đến SCB. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình về 3 tội là Tham ô tài sản; Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP