Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương năm 2021. Trong đó yêu cầu ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: Thế Kha). |
Đảm bảo tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%
Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu bảo đảm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác, đúng pháp luật việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành.
Đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án và các thông tin liên quan đến lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản lên Cổng/Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử bán đấu giá tài sản.
"Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, đảm bảo tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%. Kết quả thi hành án cho các tổ chức tín dụng ngân hàng, các khoản thu cho ngân sách nhà nước bảo đảm đạt tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền cao hơn năm 2020"- Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh.
Trong năm 2021, cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là các vi phạm trong kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; giảm đến mức thấp nhất các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.
Tại phiên tòa cuối năm 2019, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son- cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ (Ảnh: Tiến Nguyên). |
Tìm ra tội phạm đi liền với thu hồi tối đa tài sản thất thoát
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Thái khẳng định, trong năm 2020 ngành thi hành án đã rất chú trọng trong việc thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Nhờ vậy đã đạt được kết quả rất tốt: Trong tổng số 15.000 tỷ đồng thi hành được trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã có trên 14.000 tỷ đồng thuộc các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.
"Đó là điều mà chúng tôi cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong năm 2021 nhằm thu hồi tối đa tiền, tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra. Nó cho thấy hiệu quả bắt đầu từ sự vào cuộc rất quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng"- ông Thái nói.
Theo ông, nếu như trước đây quan tâm nhiều đến việc làm sao tìm cho được tội phạm, thì hiện nay song song và đồng thời với việc đó là thu hồi tối đa tiền của Nhà nước bị thất thoát .
Tinh thần đó đã lan tỏa ra tất cả các cơ quan, ngay từ trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, rồi tới cơ quan kiểm toán, thanh tra, cấp ủy chính quyền địa phương… đã góp phần tích cực trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt hiệu quả hơn.
Tuy vậy, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự cũng thừa nhận hạn chế "còn nhiều vụ việc chưa thi hành được", trong quá trình thi hành án vẫn xảy ra thiếu sót, sai phạm và có trường hợp bị xem xét trách nhiệm hành sự.
"Cả ngành chúng tôi đang cố gắng chấn chỉnh, hạn chế tối đa sai phạm dẫn tới phải bồi thường. Phải làm sao hạn chế, khắc phục tối đa nhất trong những cái có thể để từng bước hạn chế thiếu sót, tồn tại trong công tác thi hành án"- ông Thái chia sẻ.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí