Vụ năm ngoái, nhà ông Huy thu về hơn 100 triệu đồng từ khu vườn 300 gốc. Sau khi trừ đi các chi phí, tiền công, ông còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Năm nay nếu may mắn bán được trong những ngày giáp Tết giá tăng, gia đình ông cũng chỉ đủ trả tiền thuê người làm. "Coi như cả năm làm không công, không có lấy một đồng tiền lãi", ông Huy chia sẻ.
Chỉ vào ba gốc đào thế trước cửa nhà, ông kể với mỗi gốc, nhà vườn phải bỏ ra tiền mua đất, tiền công chăm sóc đến vài triệu đồng mà sau hai lần tuốt lá, cả ba cây không có lấy vài cái nụ. "Mọi năm những gốc như thế này nhà tôi cho thuê 6-10 triệu đồng, nhưng năm nay coi như mất trắng".
Mỗi tháng vườn đào đều phải bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Gia đình ông Huy có hai người và thuê thêm hai người cùng làng làm thời vụ. "Mỗi tháng tính cả tiền thuê người, tiền thuốc phun, phân bón, gia đình tôi bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng cho 300 gốc. Đó cũng vì nhà có người làm, nếu không chi phí lên cao hơn gấp 2-3 lần", ông Huy chia sẻ.
Đến thời gian hãm đào, tiền công thuê người đôn gốc, tuốt lá mới là khoản tốn nhất. Bình quân tiền đôn gốc cho mỗi cây đào khoảng 30.000 đồng, thực hiện một lần vào tháng 8 Âm lịch. Riêng tuốt lá, mọi năm ông Huy thường huy động toàn bộ người nhà, chỉ thuê một người hoặc không thuê, nhưng năm ông phải thuê thêm hai người.
"Mọi năm thời tiết tốt, cây đào chỉ tuốt lá hơn nửa trở lên từ phần ra cảnh, phân dưới đào tự rụng lá, nhưng năm nay thời tiết bất thường, mưa nhiều cây đào trổ nhanh nên phải tuốt hầu như cả cây", chủ vườn nói. Thời gian tuốt lá cũng tăng từ 10 ngày lên 15 ngày cho dù nhà ông đã thuê thêm hai người cùng làm.
Chỉ vào một mắt đào trên một cành ở gần, ông Huy cho biết, mọi năm sau khi tuốt lá mắt đào rất nhỏ, hầu như không có. "Năm nay khi hãm đào, mưa liên tục khiến cây đào trổ rất nhanh, mắt đào bật nụ kết hợp với thời tiết nắng nóng vào tháng 11, 12 Âm lịch khiến hoa nở sớm", ông Huy nói.
Cách nhà vườn này vài chục mét, bà Cúc - một chủ vườn hơn trăm gốc đào cho biết, năm nay vườn đào nhà bà nở quá nửa từ đầu tháng 12 Âm lịch, những gốc còn sót lại dù giá ngày sát tết có tăng nhưng không thể bù được chi phí đã bỏ ra. "Năm nay nhà tôi cũng không trông mong gì từ vụ đào, may mắn nếu không lỗ đã là tốt lắm rồi", bà Cúc than thở.
Chỉ vào hai gốc đào sần sùi ở đầu vườn, bà không khỏi lo lắng: "Hai gốc này nhà tôi mua cách đây một năm hơn 5 triệu đồng mỗi gốc. Mỗi năm bỏ vào đây vài triệu đồng công chăm sóc, dự kiến năm sau có thể cho thuê được để thu hồi vốn. Nhưng nếu thời tiết như năm vừa rồi, không khéo lại mất trắng", bà nói.
Theo các chủ vườn, năm nay hầu hết người trồng đào ở Nhật Tân đều thất thu, đặc biệt là những vườn chủ yếu thuê người làm. Cho dù giá những ngày sát Tết có tăng nhưng cũng không bù đắp được chi phí thuê nhân công, thiệt hại từ việc đào nở sớm.
"Năm nay cho dù hãm, dùng kỹ thuật nào đi nữa cũng không thể chống chọi được với thời tiết khắc nhiệt như vậy, nếu cứ thế này 3 năm liên tục người trồng đào ở đây đến bỏ vườn mà đi hết", ông Huy chia sẻ.
Giá đào trong một tuần gần đây đã bắt đầu tăng dần do dự báo đến sát Tết, việc có được những cành đào, gốc đào đẹp sẽ khó hơn. Tuy nhiên, theo các chủ vườn, mức thiệt hại trong vụ đào năm nay do thời tiết bất thường vẫn rất lớn. Bởi những gốc đào hãm được đến đúng tết, được giá cao còn lại không nhiều, trong khi thiệt hại do nở sớm của hầu hết nhà vườn đều quá nửa số gốc đào trồng.
Hiện giá đào cành loại to phổ biến từ vài trăm nghìn cho tới 2 triệu đồng một cành. Giá đào thuê những gốc đào cao trên 2m, tán rộng phổ biến 5-10 triệu đồng, những gốc đào thế, đào cổ thụ, đào đá dáng đẹp, nhiều nụ có thể lên 25-30 triệu đồng mỗi gốc.
Tác giả bài viết: Minh Sơn
Nguồn tin: