Tôm càng cẩm thạch là loài giáp xác duy nhất có khả năng tự nhân bản. Ảnh: Ranja Andriantsoa. |
Loài tôm xâm hại mang tên "tôm càng cẩm thạch" hay "Marmokrebs", là loài giáp xác duy nhất được biết đến có khả năng sinh sản vô tính, International Business Times hôm 6/2 đưa tin. Năm 1995, một cửa hàng thú cảnh mua vài con tôm càng từ Texas và đột biến ở một trong số những con tôm đó đã tạo ra một loài hoàn toàn mới có thể tự nhân bản.
Đột biến này khiến tất cả tôm ra đời đều là con cái, mỗi con có thể sản sinh những bản sao chính xác của nó và tạo dựng cả quần thể. Sau khi trốn thoát vào tự nhiên, tôm càng cẩm thạch nhanh chóng xâm chiếm những vùng sông hồ ở Đức, từ đó phân bố khắp châu Âu và thậm chí vươn đến châu Phi trong 25 năm. "Chúng ăn bất cứ thứ gì, lá mục, ốc sên, trứng cá, cá nhỏ, côn trùng nhỏ", Frank Lyko, nhà di truyền học phân tử ở Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức tại Heidelberg, cho biết.
Nhiều người Đức tỏ ra thích thú trước kích thước lớn của tôm càng cẩm thạch và số lượng trứng lên tới hàng trăm quả mỗi lần đẻ. Vấn đề duy nhất là trứng chỉ cho ra đời con cái. Tôm càng cẩm thạch không bao giờ ghép đôi. Mọi cá thể trưởng thành sẵn sàng đẻ trứng và có bộ gene giống nhau hoàn toàn.
Lúc đầu, tôm càng cẩm thạch xuất hiện trong những lạch nước và đường dẫn nước, đôi khi di chuyển hàng trăm mét để định cư ở vùng nước mới. Chúng nhanh chóng tràn đến Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary và Ukraine. Chúng thậm chí được tìm thấy ở Nhật Bản và Madagascar sau đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện tại Madagascar, nơi có khí hậu tương tự Florida, số lượng tôm càng tăng gấp 100 lần trong vòng 10 năm, lấn át quần thể tôm càng bản xứ.
Các nhà khoa học mất 15 năm để sắp trình tự bộ gene của tôm càng cẩm thạch. Họ nhận thấy loài vật này tiến hóa từ loài tôm đầm lầy Procambarus fallax trên sông Satilla ở Florida và Georgia, Mỹ.
Đột biến là kết quả từ sự ghép đôi của hai con tôm đầm lầy, một con trong số đó có bất thường ở tế bào sinh dục. Tế bào sinh dục bình thường chỉ có một nhiễm sắc thể, nhưng con tôm này có hai chuỗi. Tế bào sinh dục tạo ra một con tôm càng cái hoàn chỉnh không có bất kỳ bất thường hay dị dạng nào và sau này sinh ra ba con non có cùng nhiễm sắc thể. Chúng trưởng thành, phát triển khả năng đẻ trứng và thụ tinh cùng lúc.
Nhóm tôm càng cẩm thạch đầu tiên không thể ghép đôi với tôm đầm lầy bởi chúng không cùng loài. Chúng tự sinh sản với tốc độ chóng mặt. Ngay cả khi tôm đầm lầy đực ghép đôi với tôm càng cẩm thạch cái, chúng cũng không phải là bố của con non. Trứng được chính con cái thụ tinh và trở thành bản sao hoàn hảo của nó. "Chúng có thể sống sót 100.000 năm", tiến sĩ Lyko nói.
Tác giả: Phương Hoa
Nguồn tin: Báo VnExpress